Khánh Sơn (Khánh Hòa) gìn giữ nét đẹp văn hóa
Biểu diễn đánh mã la ở nhà dài thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp).
Giữ gìn, khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa
Từ bao đời nay, mảnh đất Khánh Sơn là nơi sinh sống của 13 dân tộc anh em. Trong quá trình đó, đồng bào đã tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo. Những làn điệu sử thi, dân ca phổ biến trong đồng bào như: Alơu, Siri, Sa ngơi, Ru tu; những loại nhạc cụ độc đáo như đàn đá, đàn chapi, mã la; các lễ hội dân gian gắn với đời sống đồng bào có lễ bỏ mả, lễ ăn đầu lúa mới, nghi lễ vòng đời… Bên cạnh đó là hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đầy tự hào của đồng bào như: Dốc Gạo, Xóm Cỏ, Tô Hạp, Tà Nỉa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, mối quan hệ giao lưu văn hóa đã có những tác động đến giá trị văn hóa của đồng bào. Đứng trước nguy cơ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống dần mai một, các cấp chính quyền của huyện Khánh Sơn đã có nhiều hành động nhằm giữ gìn, khôi phục, phát huy.
Xã Thành Sơn là địa phương xa nhất của huyện, đời sống đồng bào Raglai ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Đây cũng là nơi đang còn sự hiện diện của những nghệ nhân sử thi, những giá trị văn hóa truyền thống. Những năm qua, cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật chất cho người dân, địa phương còn quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được duy trì tổ chức. Thông qua đó, những bài sử thi được các nghệ nhân biểu diễn, truyền dạy lại cho lớp trẻ. Các làn điệu mã la lại có dịp ngân vang. “Địa phương đã tập trung triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của người Raglai trên địa bàn; duy trì và bảo tồn các giá trị sử thi người Raglai. Xã cũng xây dựng kế hoạch mời các nghệ nhân, già làng truyền dạy các bài hát, kể chuyện và làn điệu mã la; tranh thủ nguồn hỗ trợ để khôi phục các truyền thống tốt đẹp của người Raglai”, ông Cao Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Doãn Đạt - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, thực hiện chương trình phát triển du lịch của huyện, thời gian qua, địa phương đã nâng cấp, sửa chữa nhà dài truyền thống của đồng bào Raglai ở thôn Hòn Dung để phục vụ khách tham quan; tổ chức 2 lớp truyền dạy đánh mã la, 1 lớp dạy đánh nhạc cụ đàn đá, 2 lớp dạy hát dân ca và sử thi Raglai với tổng số 20 người tham gia. Xã cũng đã thực hiện việc phục dựng lễ ăn đầu lúa mới của người Raglai; phối hợp mở lớp khôi phục lại nghề đan lát thủ công truyền thống.
Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Raglai được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của huyện Khánh Sơn. Hàng năm, huyện đều tổ chức các chương trình văn nghệ để tạo điều kiện cho các nghệ nhân biểu diễn những làn điệu dân ca, chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Huyện cũng quan tâm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Một số loại hình văn hóa phi vật thể của địa phương đã được lập hồ sơ khoa học và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện để từng bước khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Những nghề thủ công truyền thống của đồng bào cũng được quan tâm phục hồi.
Tiếp tục khơi dậy tính chủ động của người dân
Theo ông Trương Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn gặp những thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là huyện đã tìm được hướng đi mở đối với nhiệm vụ giữ gìn nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai, đó là gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch của địa phương.
Chính vì thế, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về vấn đề này; chú trọng nâng cao ý thức của người dân, ý thức cộng đồng và khuyến khích những người có tâm huyết, có kiến thức về bảo tồn văn hóa truyền thống tích cực tham gia. Bên cạnh đó, huyện sẽ thực hiện việc thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu; có chính sách cụ thể đối với việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống của đồng bào Raglai. Đồng thời, khơi dậy tính chủ động của người dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng; khuyến khích các cá nhân có những hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống, hình thành các câu lạc bộ, nhóm sinh hoạt văn nghệ dân gian./.