Hoạt động của ngành

Nậm Khao (Lai Châu) giữ gìn bản sắc văn hóa

Cập nhật: 30/07/2020 08:56:23
Số lần đọc: 826
Là nơi sinh sống của đồng bào người Cống, La Hủ với nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhưng theo thời gian, văn hóa truyền thống đang bị mai một, nhiều phong tục, lễ hội chỉ còn trong ký ức. Để khôi phục bản sắc văn hóa, xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm lưu giữ truyền thống các dân tộc.

Chúng tôi có dịp đến với xã Nậm Khao vào thời điểm diễn ra Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ. Từ người già đến trẻ nhỏ đều khoác trên mình chiếc áo truyền thống tham gia ngày hội, cùng nhau múa hát, tham gia các trò chơi dân gian, chúc nhau chén rượu nồng, thưởng thức các món ăn dân tộc. Ấn tượng nhất là đêm trình diễn với nhiều lễ hội được thể hiện, khắc họa lại cuộc sống, phong tục, tín ngưỡng của người dân bản địa để du khách, tầng lớp trẻ biết đến bản sắc dân tộc. Đó không chỉ là món ăn tinh thần mà còn tạo tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Điệu múa của người Cống ở Nậm Khao luôn được thể hiện trong các ngày hội.

Theo thời gian, các nét văn hóa đang dần bị mai một, thế hệ trẻ không còn mặn mà với những nét đẹp truyền thống cũ. Hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc văn hóa, cán bộ, đảng viên xã Nậm Khao tăng cường xuống bản tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không du nạp văn hóa lai tạp, đồi trụy. Bên cạnh đó, gặp gỡ những người già, người có uy tín, các nghệ nhân trong bản nhằm tìm hiểu các phong tục tập quán tốt đẹp từ xa xưa và đề xuất lên UBND huyện tìm cách khôi phục. Vận động người dân giữ gìn nghề may trang phục truyền thống để truyền dạy cho con cháu.

Nhờ đó, nhận thức của bà con dân bản được nâng lên, 413 hộ thuộc 4 bản của xã luôn giữ gìn các nét truyền thống. Điển hình như Tết Ngô của người Cống diễn ra vào 1/6 âm lịch hàng năm. Để tổ chức Tết ngô sáng sớm người dân ra suối mò cua đá, rêu về chế biến các món ăn và đặc biệt phải có bánh ngô, cơm ngô trong ngày Tết. Cúng gia tiên xong bà con dân bản đến nhà chúc nhau, thưởng thức các món ăn truyền thống rồi cùng múa hát, thể hiện niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Không chỉ có Tết Ngô mà vào các ngày lễ lớn của dân tộc, các nét văn hóa lại được thể hiện. Chị Khoàng Thị Yêu (bản Lãng Phiếu) cho biết: Nhờ có cán bộ xã tuyên truyền, dân bản không còn u mê vào các hủ tục, mà biết giữ gìn nét văn hóa của dân tộc, góp sức phục dựng các lễ hội truyền thống. Dân bản còn tích cực xây dựng đời sống văn hóa, giúp nhau trong phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu thể dục thể thao. Bản thân tôi còn tham gia vào đội văn nghệ của bản để tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ để thế hệ trẻ biết đến cội nguồn.

Hàng năm, xã cử 4 đội văn nghệ ở 4 bản tham gia Ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ được tổ chức luân phiên ở các xã có 3 dân tộc sinh sống. Ngày hội không chỉ thể hiện nét văn hóa của các dân tộc mà còn là nơi gắn tình đoàn kết, giúp các dân tộc hiểu rõ về phong tục tập quán của nhau. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, xã còn quảng bá các hình ảnh về trang phục, lễ hội, ngành nghề truyền thống để công chúng biết đến nét văn hóa của người dân bản địa. Ngoài ra, ở các đơn vị trường học các em học sinh được mặc trang phục dân tộc 2 ngày học/tuần, thường xuyên tổ chức các giờ học ngoại khóa giới thiệu về bản sắc dân tộc để các em hiểu rõ hơn về tập quán của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, xã còn quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao dân trí, tăng cường sức khỏe cho người dân, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đến nay, có 250 hộ đạt gia đình văn hóa, 4/4 bản đạt bản văn hóa.

Anh Lý Văn Lương – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để bản sắc văn hóa luôn được giữ gìn, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; tham mưu lên UBND huyện phục dựng các lễ hội truyền thống; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa đang có, như là Tết Ngô; khuyến khích người dân tham gia ngày hội văn hóa - thể thao của huyện, tỉnh.

Văn hóa truyền thống ở Nậm Khao đang dần được khôi phục, đó là nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã và người dân. Hy vọng rằng các nét văn hóa mãi được lưu truyền để tô thêm vẻ đẹp cho núi rừng Tây Bắc.

Thái Hà

 

Nguồn: Báo Lai Châu

Cùng chuyên mục