Hoạt động của ngành

Khởi sắc du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp

Cập nhật: 30/10/2020 08:13:45
Số lần đọc: 669
Đồng Tháp là tỉnh thuần nông với gần 70% số dân sinh sống ở nông thôn. Người dân hồn hậu và mến khách, nền nông nghiệp nơi đây phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, nhất là hoa, trái cây, thủy sản... Đó là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.


Du lịch trên cánh đồng, trải nghiệm văn hóa nông nghiệp tại Viet Mekong Farmstay (huyện Tam Nông). Ảnh: NGUYỄN MINH

Lan tỏa sâu rộng 

So với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, loại hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp bắt đầu khá muộn, vào cuối năm 2016. Xuất phát trễ nhưng sức lan tỏa mạnh mẽ của loại hình này và tinh thần khởi nghiệp du lịch bằng tất cả niềm đam mê của những người nông dân đã biết thay đổi tư duy làm kinh tế, du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp, bước đầu giúp gặt hái được một số kết quả khả quan.

Đi nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng rồi anh nông dân Nguyễn Tiến Thành lại trở về quê nhà Đồng Tháp lập nghiệp tại ấp Bình Hiệp B, xã Bình Thạnh Trung (huyện Lấp Vò), với trang trại sinh thái trồng hơn 60 loại rau và nuôi các loại thủy sản mang giá trị kinh tế cao. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thành nhớ lại những ngày đầu xây dựng Trang trại Đồng Tháp Aqua, thuộc Công ty TNHH Nông sản Đồng Tháp Aqua do anh làm giám đốc. Năm 2017, một lần xem báo thấy phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp ở Đồng Tháp có nhiều dấu hiệu tích cực, được lãnh đạo địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư, anh Thành nhận ra có thể phát triển nghề nông ở quê mình. Ban đầu, khi xây dựng trang trại trên diện tích hơn 13.000 m2, anh chưa nghĩ đến làm du lịch, mà chỉ hướng đến việc cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho khách hàng, thông qua áp dụng mô hình Aquaponic (nuôi cá tuần hoàn nước kết hợp trồng rau thủy canh). Thấy Trang trại Đồng Tháp Aqua là mô hình sinh thái hoàn toàn tự nhiên, lạ lẫm, nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh tìm đến tham quan, tìm hiểu. Anh Thành khá bất ngờ khi trang trại được nhiều người biết đến và gần như ngày nào cũng có du khách tìm đến tham quan. Cao điểm, một ngày có khoảng 700 du khách từ khắp các tỉnh, thành phố tìm đến. Vậy là anh nảy ra ý tưởng làm du lịch nông nghiệp. 

Chính sách hỗ trợ du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp ở địa phương rất tốt. Điều đó đã thôi thúc anh Thành xây dựng khuôn viên trình diễn nông nghiệp rộng 4.500 m2, giới thiệu quy trình nuôi cá và trồng rau, ươm giống, xử lý nước, khu trải nghiệm về canh tác rau sạch, khu lưu trú, mua sắm nông sản sạch... phục vụ khách tham quan.

Nói đến chuyện khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp, không thể không nhắc đến cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười.Thời điểm bắt tay vào làm du lịch, nơi này chỉ có năm hộ dân khai thác chèo xuồng phục vụ khách ngắm cảnh đồng sen, học cách thu hoạch gương sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn chế biến từ sen. Đến nay, đã có 10 hộ tham gia khai thác du lịch. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Còn ở huyện Lai Vung, các hộ dân là chủ vườn cam, quýt hồng đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Hiện nay, Lai Vung  có chín điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn đang khai thác phục vụ khách du lịch. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đón tiếp và phục vụ hơn 145.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 43 tỷ đồng. Gần đây nhất là tại huyện biên giới Tân Hồng - nơi trước đây khó thu hút khách du lịch, cũng đã hình thành mô hình Farmstay Ao Nhà với dịch vụ lưu trú bè nổi trên ao hết sức độc đáo cùng với ao sen, ao súng, các luống rau sạch, luống hoa cảnh, để phục vụ du khách trải nghiệm, thư giãn và thưởng thức ẩm thực đồng quê.

Loại hình du lịch nông nghiệp còn lan tỏa đến các hộ dân của làng hoa Sa Đéc (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc). Trước đây, các hộ chủ yếu trồng và bán hoa cảnh cho thương lái các nơi, giờ chuyển sang đầu tư tiểu cảnh, hoa cảnh, bổ sung các trò chơi dân gian, xây đài quan sát… thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm, thí dụ như: Cánh đồng hoa hồng, Happy Land Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan… Điểm tham quan du lịch Cánh đồng hoa hồng luôn thu hút khá đông du khách bất kể ngày thường, cuối tuần hay dịp lễ, Tết. Điểm tham quan du lịch trải nghiệm nông nghiệp này tạo nhiều ấn tượng cho du khách với diện tích lên đến gần 2,6 ha, trồng hơn 10 giống hoa hồng đặc trưng Sa Đéc. Tâm huyết trong việc đầu tư, trang trí vô cùng ấn tượng cho điểm tham quan này, anh Phạm Thanh Tâm, chủ cánh đồng cho biết: “Là người sinh ra và lớn lên ở làng hoa Sa Đéc, tôi rất mê hoa và đặc biệt am hiểu giống hoa hồng, cho nên tôi chọn khởi nghiệp từ du lịch nông nghiệp trên cánh đồng quê mình. Rất mừng vì ý tưởng cánh đồng hoa bước đầu thành công và thu hút du khách gần xa đến trải nghiệm. Hy vọng điểm tham quan này góp phần quảng bá, lan tỏa loại hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp”.

Du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp hình thành chưa lâu nhưng đang phát triển mạnh trong hai năm gần đây. Loại hình du lịch này bước đầu đã góp phần làm phong phú sản phẩm, thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của vùng đất, con người và văn hóa bản địa Đồng Tháp. Ở Đồng Tháp, không chỉ nhiều bạn trẻ lần đầu bắt tay vào làm  du lịch nông nghiệp mà còn có những cụ ông, cụ bà ở TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, huyện Lai Vung cũng tích cực tham gia làm du lịch nông nghiệp. “Tinh thần khởi nghiệp du lịch nông nghiệp đã lan tỏa rộng khắp trong mỗi người dân Đồng Tháp. Phát triển du lịch không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân mà còn là trách nhiệm, vì lòng tự hào quê hương, xứ sở của mỗi công dân Đất sen hồng”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định.

Hướng tới phát triển bền vững

Đồng Tháp có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Tuy vậy, để loại hình du lịch này phát triển một cách bền vững, đòi hỏi sự kiên trì, chung tay của bà con nông dân, cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các ngành chức năng. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết: “Quá trình phát triển, ngành du lịch Đồng Tháp tập trung lấy nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng; văn hóa bản địa Đồng Tháp là quan trọng để xây dựng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Hiện nay, nhu cầu khách du lịch mong muốn được tham quan trải nghiệm ở các khu nông trại, trang trại, vườn cây ăn trái,… gắn với tìm hiểu các giá trị văn hóa Đồng Tháp ngày một tăng, đã giúp gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân”. 

Tại TP Sa Đéc, công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn được quan tâm thực hiện. Nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng đã đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch đề ra, trong đó có loại hình du lịch nông nghiệp. Đáng phấn khởi, số lượng du khách đến TP Sa Đéc luôn duy trì ở mức cao. Năm 2019, Làng hoa Sa Đéc thu hút gần 825.000 lượt khách tham quan, phần lớn là đến các điểm du lịch nông nghiệp. “Kế hoạch phát triển du lịch của TP Sa Đéc giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có loại hình du lịch nông nghiệp đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân làng hoa. Từ đơn thuần trồng hoa, cây cảnh để bán, người dân đã chuyển sang trồng hoa để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Sắp tới, Sa Đéc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ nhằm thúc đẩy du lịch của thành phố phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu; xây dựng Làng văn hóa du lịch Sa Đéc gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Lăng Minh Nhựt cho biết.

Để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp bền vững, năm 2018, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, qua đó đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, hộ dân có thêm nguồn lực, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp du lịch nông nghiệp. Từ đó đến nay, các mô hình du lịch nông nghiệp liên tiếp được hình thành và phát triển. Hiện toàn tỉnh có hơn 80 điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, góp phần làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá. Đồng Tháp cũng đang chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch nông nghiệp;  tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Ngành du lịch và ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển, cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp, cùng các chính sách hỗ trợ tương xứng. “Ngành du lịch hướng đến việc xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp phải được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp sạch, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, thời gian tới, ngành du lịch Đồng Tháp sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu, gắn với quảng bá hình ảnh địa phương. Thực hiện đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch, tập huấn kiến thức về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và sản phẩm OCOP. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, không gian điểm đến là yếu tố quyết định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng: Việc giữ gìn giá trị cốt lõi, bản sắc của nền văn hóa nông nghiệp, các làng quê, môi trường, cảnh quan, văn minh lịch sự tại các điểm du lịch nông nghiệp là điều đặc biệt quan trọng. Cần bảo đảm hài hòa lợi ích các bên tham gia, nhất là những người dân trực tiếp làm du lịch nông nghiệp. Hạ tầng tại điểm đến cần được đầu tư hoàn chỉnh như: Hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp, thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, cung cấp thông tin du lịch,...

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục