Huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) phát huy tiềm năng phát triển du lịch
Quang cảnh buổi tọa đàm “Du lịch Lâm Bình tiềm năng, thực trạng và giải pháp”.
Với mong muốn thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, UBND huyện Lâm Bình phối hợp với Việt Nam DMC Product (thuộc Câu lạc bộ Du lịch Thủ Đô - Cap Tour) tổ chức Tọa đàm “Du lịch Lâm Bình tiềm năng, thực trạng và giải pháp”.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết: Huyện Lâm Bình là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Tuyên Quang. Mặc dù, còn nhiều khó khăn, nhưng Lâm Bình được thiên nhiên ưu ái nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú: Độ che phủ rừng đạt trên 80%; rừng nguyên sinh với những cây nghiến cổ thụ; có những dãy núi đá vôi trùng điệp; hồ thủy điện Tuyên Quang rộng trên 8.000 ha (hồ nằm trên địa bàn 2 huyện Na Hang – Lâm Bình); những thác nước kỳ vĩ (Thác Nặm Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng)... Đây là những tiềm năng để Lâm Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng (Homestay)...
Năm 2016, huyện Lâm Bình đã bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 4 điểm, với 16 hộ dân tham gia làm homestay, đến nay đã có 24 hộ làm homestay.
Năm 2019, du lịch Lâm Bình thu hút hơn 120.000 lượt khách. Đây là con số còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hạ tầng tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, khảo cổ chưa được đầu tư xây dựng; giao thông kết nối các tua, tuyến chưa đồng bộ; kỹ năng làm du lịch của người dân còn ở mức độ thấp nên khó khăn cho việc tiếp cận, giao lưu, đặc biệt là với khách du lịch nước ngoài...
Tại buổi tọa đàm, đóng góp cho lãnh đạo huyện Lâm Bình và bà con làm du lịch tại địa phương, bà Vân Anh, Chủ tịch HĐQT Falamingo Redtour khẳng định: “Lâm Bình có nhiều lợi thế phát triển du lịch, tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành còn thiếu quá nhiều thông tin về du lịch Lâm Bình nói riêng, Tuyên Quang nói chung. Do đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, đặc biệt những thông tin về điểm đến, trải nghiệm, sản phẩm độc đáo”.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Điều hành Vietrantour đề xuất địa phương có slogan nhận diện thương hiệu du lịch, để nhắc đến là mọi người đều nghĩ ngay đến du lịch Lâm Bình. Ngoài ra, ở đây còn giữ được vẻ đẹp rất nguyên sơ, nên phát triển thêm tour trải nghiệm bằng xe đạp, xe máy hay tour 1 ngày làm nông dân, tour chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, tạo thêm điểm hấp dẫn của du lịch Lâm Bình so với các địa phương lân cận.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho rằng: “Huyện Lâm Bình cần có quy hoạch để phát triển du lịch bền vững, đặt yếu tố bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường lên hàng đầu. Đặc biệt lưu ý bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa nguyên gốc để những giá trị ấy được thăng hoa. Rút được kinh nghiệm, bài học của những điểm đến đi trước, đặc biệt biệt là bài học về vỡ quy hoạch tại Sa Pa, Phú Quốc hay hồ Ba Bể...”.
Bên cạnh phát triển homestay, chính quyền địa phương cũng cần dành quỹ đất có địa thế đẹp để mời gọi các nhà đầu tư mở resort 5 sao phục vụ khách cao cấp hay khách sạn 3 sao phục vụ du khách.
Một số vẻ đẹp nguyên sơ của huyện Lâm Bình:
Đi thuyền trên hồ, du khách được ngắm nhìn một vùng non nước hữu tình.
99 ngọn núi gần xa nhấp nhô tạo cảm giác về một “Hạ Long xanh”.
Khách tham quan thác Khuổi Nhi.
Phụ nữ và trẻ em dân tộc Tày.
Những chiếc váy đầy màu sắc dân tộc Mông.