Hoạt động của ngành

Thượng Minh (Tuyên Quang) bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch

Cập nhật: 29/10/2020 08:40:59
Số lần đọc: 776
Nhận thấy bảo tồn văn hóa truyền thống có nghĩa sống còn với định hướng phát triển du lịch, mấy năm gần đây, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng công tác này. Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết, sau khi Nghi lễ Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh được khôi phục thành công, lượng khách đến với địa phương ngày một nhiều. Để đưa nhảy lửa trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, xã chỉ đạo thôn tuyển chọn, xây dựng đội nhảy lửa, có quy chế hoạt động cụ thể để phát triển bền vững, lâu dài.

Khách du lịch chụp hình với các thiếu nữ Pà Thẻn, thôn Thượng Minh.

Hiện nay, thôn Thượng Minh có 94 hộ với 500 nhân khẩu là người dân tộc Pà Thẻn. Ở Tuyên Quang, Nghi lễ Nhảy lửa có ở các dân tộc: Pà Thẻn, Dao, Cao Lan. Song, độc đáo và bản sắc hơn cả là Nghi lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn thôn Thượng Minh, Hồng Quang (Lâm Bình). Nhờ sự độc đáo, kỳ bí của nghi lễ mà thường vào dịp đầu xuân năm mới, huyện Lâm Bình tổ chức Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc đều đưa nhảy lửa vào trình diễn, quảng bá đến công chúng, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham gia.

Là người thường xuyên dẫn khách đến Thượng Minh, anh Hoàng Hưng, chủ của dịch vụ Nahangtour chia sẻ, giờ không chỉ chờ xem nhảy lửa trong các lễ hội, mà các nhiếp ảnh gia, du khách có thể xem nhảy lửa bất cứ lúc nào. Chỉ cần nhấc điện thoại lên đặt lịch, dịch vụ nhảy lửa tại thôn Thượng Minh sẽ phục vụ chu đáo. Giá từ 5 - 6 triệu đồng tùy vào quy mô, thời lượng nhảy. Nếu đoàn đông người xem, chụp ảnh thì chi phí càng rẻ, khoảng 100 - 150 nghìn đồng/người. Nếu tổ chức chụp thêm trang phục, dệt, thêu thùa thì thêm chi phí tầm 2 triệu đồng nữa.

Có mặt tại sân bóng thôn Thượng Minh, cánh phóng viên chúng tôi lập tức bị thu hút bởi ánh lửa đang bập bùng dưới trời giá lạnh. Một đoàn nhiếp ảnh gia, khách du lịch khoảng 30 người đang vây quanh xem nghi lễ nhảy lửa. Anh Trần Công Hùng, nhiếp ảnh gia ở Hà Nội làm trưởng đoàn chia sẻ, anh đã biết Nghi lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn mấy năm trước, nhưng hôm nay mới có dịp thuê dịch vụ này. Giá thuê là 6 triệu đồng, như vậy mỗi người bỏ ra khoảng 150 nghìn đồng là có thể được chứng kiến nghi lễ độc đáo này, vừa xem vừa chụp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất. Đội nhảy lửa có khoảng 20 người, bao gồm cả thầy cúng, người nhảy, người phục vụ củi, ánh sáng. Nói là nhảy “dịch vụ” nhưng đã làm phải thật, phải có đồ cúng tế, một lượng củi đủ lớn. Công tác chuẩn bị trước khi nhảy mất khoảng 2 giờ và khoảng 2,5 giờ nhảy chính thức thì kết thúc. Cái hay của việc thuê dịch vụ nhảy lửa là các nhiếp ảnh gia thoải mái đất diễn. Họ không bị vướng vào máy quay truyền hình hay ánh đèn sân khấu và đèn flash của máy ảnh, điện thoại. Địa điểm, ánh sáng khách có thể tùy chọn.

Ông Húng Văn Hín là thầy cao tay trong thực hiện Nghi lễ Nhảy lửa ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang khẳng định, từ ngày khôi phục Nghi lễ Nhảy lửa, cuộc sống của bà con nhộn nhịp hơn hẳn. Một số đoàn khách du lịch đã đến thôn Thượng Minh thuê nhà ở homestay để chụp, xem nhảy lửa. Không chỉ chụp ảnh nhảy lửa mà du khách còn lưu lại hình ảnh sinh hoạt của người dân qua ống kính như: Phụ nữ Pà Thẻn dệt vải bên khung cửi, thiếu nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống. Chị Làn Thị Sân, thôn Thượng Minh đang tất bật chuẩn bị trang phục để nhiếp ảnh gia chụp ảnh. Chị bảo, vừa qua chị có tham gia một lớp học về nghề đan lát và dệt thổ cẩm do Chi hội Phụ nữ thôn tổ chức. Qua thời gian học tập, chị được các nghệ nhân có kinh nghiệm hướng dẫn thực hiện thành thạo nghề và làm ra các sản phẩm đẹp, chất lượng, nhằm tạo ấn tượng với du khách thập phương.

Với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xã Hồng Quang đã và đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Bài, ảnh: Quang Hò

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục