Không gian trưng bày văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc
Không gian trưng bày văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc với hàng trăm hiện vật ảnh, video, pano, tượng người, tiểu cảnh...
Vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh gồm các huyện Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái. Đây là vùng có địa hình đồi núi, biên giới xen lẫn biển đảo, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, với các di tích khảo cổ học Hòn Ngò, Thoi Giếng, Gò Chùa, Gò Miếu, minh chứng cho sự tồn tại của chủ nhân Văn hóa Hạ Long từ rất sớm tại khu vực này.
Đây cũng là nơi sinh sống của 10 dân tộc anh em, trong đó nổi bật là các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, hiện cư trú thành những cộng đồng có ngôn ngữ, có bản sắc dân tộc rõ nét. Đời sống của họ gắn với nền canh tác nông nghiệp đặc trưng, tạo ra những nét văn hóa độc đáo của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh.
Không gian trưng bày Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc tại Tiên Yên là tổ hợp hàng trăm hiện vật, bản đồ, ảnh, video, bản text, pano, tượng người (tỷ lệ 1/1), tiểu cảnh…, giới thiệu cụ thể, chuyên sâu về loại hình cư trú, đặc điểm kinh tế, bản sắc văn hóa, các nghề thủ công và sản phẩm nghề đặc trưng của các dân tộc.
Bước vào không gian trưng bày của dân tộc Dao, bạn sẽ bị ấn tượng bởi những bộ trang phục sặc sỡ, những phong tục tập quán mà người Dao còn bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay.
Người Dao sinh sống ở 6 huyện vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, với dân số đông thứ 2 sau người Kinh. Họ sống tập trung thành làng, bản ở các xã, đến nay vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa dân gian tiêu biểu như thêu trang phục, những nghi lễ truyền thống (lễ cấp sắc, đám cưới...), đặc biệt là sự tích Bàn Vương (tín ngưỡng thờ chó).
Văn hóa người Tày rất đa dạng và mang bản sắc riêng, thể hiện qua trang phục, tập tục cưới xin, vào nhà mới, cùng những điệu hát dân ca... Đặc biệt, không thể không nhắc tới điệu hát Then, đàn Tính của người Tày cùng các nghi lễ Then cổ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không gian văn hóa của dân tộc Sán Chay nổi bật với các điệu hát Soóng cọ, lễ hội cầu mùa, lễ cúng cơm mới, các trò chơi dân gian và thổi kèn lá dứa…Đặc biệt, người Sán Chay còn có Hội tháng 3 – nơi được coi là chợ tình của đồng bào.
Với không gian trưng bày văn hóa của dân tộc Sán Dìu, ấn tượng nhất là hình ảnh tái hiện lễ Đại Phan, mà nổi bật là Lễ leo dao. Đây là hoạt động tín ngưỡng dân gian có quy mô lớn, tích hợp nhiều yếu tố văn hóa của người Sán Dìu, như: Phong tục tập quán, nghi thức thờ tự, âm nhạc, ca, múa, mỹ thuật, có ý nghĩa là một lễ cầu an, cầu mùa, xua đuổi tà ma, dịch bệnh.
Văn hóa của người Hoa lại có những nét độc đáo riêng. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, phần lớn người Hoa cư trú ở vùng Đông Bắc Quảng Ninh đã di cư sang các quốc gia khác. Vì thế số lượng người Hoa hiện nay cư trú ở Quảng Ninh không nhiều. Họ không tập trung sống thành làng mà xen kẽ với các dân tộc khác.
Người Hoa có cách chế biến ẩm thực phong phú, hấp dẫn với các sản phẩm đặc trưng như tàu xì, khâu nhục, bánh tài lồng ệp... Đồng bào cũng duy trì các hình thức sinh hoạt như hát Sán Cố, múa kịch, múa lân sư rồng.
Khép lại chuỗi không gian trưng bày những nét văn hóa của các dân tộc chính là không gian văn hóa của dân tộc Kinh, một không gian quen thuộc, gắn với nền nông nghiệp lúa nước. Chiếc bàn thờ tổ tiên, những công cụ lao động sản xuất, đánh bắt, đi biển, những dụng cụ sinh hoạt quen thuộc hàng ngày như chiếc chạn bát, mâm cơm... cũng được tái hiện trong không gian trưng bày này.
Điểm đến này thu hút rất đông người dân địa phương và du khách khi về với Tiên Yên, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về những nét văn hóa lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số.
Em Nguyễn Ngọc Ánh, học sinh Trường THPT Tiên Yên, chia sẻ: Em cùng bạn bè rất hay đến đây tham quan, học tập bởi không gian ở đây rất đẹp. Chúng em được tìm hiểu rất nhiều những phong tục tập quán hay của đồng bào các dân tộc, qua đó thêm hiểu và yêu quê hương mình hơn.
Chị Thiên Vân, hướng dẫn viên tại đây cho biết: Mình đã đón và giới thiệu cho nhiều đoàn khách tới đây. Họ đều rất thích thú với không gian trưng bày này. Một địa điểm check in và tìm hiểu văn hóa rất đặc sắc đối với họ.
Đây cũng là một trong 4 điểm du lịch, nằm trong tuyến du lịch “Một ngày trải nghiệm với vùng đất Tiên Yên”. Hàng năm, tại đây còn có Lễ hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc được tổ chức định kỳ, là nơi để quảng bá những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.
Nếu bạn có dịp ghé đến Tiên Yên, hãy nhớ dành thời gian chiêm ngưỡng Không gian trưng bày văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc, để cảm nhận sự đa dạng về văn hóa và vẻ đẹp của miền đất này.