Non nước Việt Nam

Khu di tích Dục Thanh: Gắn du lịch với giáo dục truyền thống

Cập nhật: 06/10/2020 13:52:52
Số lần đọc: 1566
Là một điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân tới mảnh đất Bình Thuận, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Dục Thanh mỗi năm đón hơn 150.000 lượt khách. Không chỉ là nơi tham quan ấn tượng giữa lòng thành phố biển Phan Thiết mà Khu di tích Dục Thanh còn là điểm đến để lớp lớp người Việt Nam tưởng nhớ về Bác Hồ kính yêu, khơi gợi truyền thống cách mạng vẻ vang cho thế hệ trẻ.

 

Nơi khơi gợi tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Với những ưu đãi từ thiên nhiên, du lịch Bình Thuận có sự phong phú, đa dạng từ biển, rừng, cảnh quan hoang sơ và thơ mộng. Các di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với những lễ hội độc đáo, đó là tháp Po Sah Inư, chùa Tà Cú, dinh Thầy Thím… Và tất nhiên, không thể bỏ qua điểm đến nổi bật nằm ngay trong lòng TP. Phan Thiết – Khu di tích lịch sử Dục Thanh, nơi gắn liền với quãng thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) dừng chân dạy học. 110 năm kể từ ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành đặt chân lên mảnh đất nghĩa tình Phan Thiết trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, những ký ức về Người vẫn như mới đâu đây. Giếng nước Bác thường sinh hoạt hàng ngày, cây khế Bác từng chăm sóc hay bộ họa đàng trường kỷ Bác thường dùng để chấm bài cho học trò vẫn được trau chuốt tỉ mỉ để lớp lớp thế hệ thanh niên về sau khi đến Dục Thanh sẽ được nghe qua những câu chuyện kể.

Khi đến Khu di tích Dục Thanh, nhiều lớp thế hệ không khỏi xúc động với những kỷ vật đơn sơ gắn liền với thời gian Bác Hồ dạy học tại đây. “Ngôi trường đơn sơ nhưng chứa đựng những hoài bão lớn lao của người con vĩ đại của dân tộc… Xin nguyện một đời làm tốt công việc ươm mầm tương lai cho đất nước, xứng đáng là người con đất Việt, xứng đáng với nhà giáo Nguyễn Tất Thành”, đây là những dòng cảm tưởng của giáo viên trẻ Nguyễn Tuấn Anh (Trường THPT Lê Duẩn, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) khi đến tham quan Khu di tích Dục Thanh. Hay như những dòng cảm xúc viết vội của một vị khách phương xa ghé thăm Bình Thuận: “Sáng nay con may mắn có dịp được ghé thắp hương viếng Bác. Con không khỏi bồi hồi, xúc động vì tất cả tình cảm và lòng yêu kính Bác. Con cảm ơn tất cả những hành trình Bác đã trải qua để dân tộc Việt Nam tới bến bờ tươi sáng… Con nguyện sẽ làm theo tất cả những gì Bác đã dạy bảo”. 

 

Phát triển Dục Thanh thành điểm đến hấp dẫn

Trong hơn 5 năm trở lại đây, mỗi năm có từ 150.000 - 160.000 lượt khách đến tham quan tại Khu di tích Dục Thanh. Riêng trong năm 2019, khu di tích đã đón hơn 170.000 lượt khách, với hơn 2.600 đoàn viếng, tham quan.

Với những giá trị to lớn, Khu di tích Dục Thanh trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch cả nước. Từ lúc thành lập đến nay, Khu di tích Dục Thanh được nhiều tổ chức, đoàn thể, quần chúng tham quan, học tập về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây còn trở thành nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa cho cán bộ, nhân dân khắp nơi trên cả nước. Ngoài ra, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận, đơn vị quản lý Khu di tích Dục Thanh còn phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo về quê hương, gia đình, thân thế, sự nghiệp Bác Hồ nhằm giáo dục đạo đức, tư tưởng cho thế hệ trẻ, phối hợp với các đơn vị du lịch tổ chức các tour, tuyến về thăm quê Bác.

Để tiếp tục phát huy giá trị Khu di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận đang tiếp tục xây dựng các bộ sưu tập hiện vật liên quan đến di tích; phối hợp chặt chẽ với các bảo tàng và di tích để xây dựng các tuyến điểm du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng chú ý đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên vừa hiểu biết sâu sắc về tư tưởng Hồ Chí Minh vừa nắm vững kiến thức nghiệp vụ để giúp khách tham quan, khám phá được những giá trị văn hóa bên trong các di tích và kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT