Kiên Giang phấn đấu vào nhóm tỉnh du lịch phát triển hàng đầu cả nước
Một điểm du lịch tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc. Ảnh: Quốc Trinh
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Hơn hai năm qua, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của đại dịch Covid-19, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 5,29%/năm; quy mô kinh tế vươn lên đứng thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long (năm 2020 đạt 98.880 tỷ đồng, ước đến cuối năm 2023 đạt 129.637 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người từ 2.473 USD năm 2020, ước đến cuối năm 2023 tăng lên 3.106 USD.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo định hướng, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phát triển tương đối bền vững; nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế trong tình hình nhiều khó khăn, biến động. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 1,2%. Sản lượng lương thực bình quân đạt 4,4 triệu tấn/năm. Đã hình thành một số vùng nuôi tôm quảng canh, công nghiệp-bán công nghiệp, tôm-lúa, cua, nuôi cá ven các đảo, các loài nhuyễn thể,... mang lại hiệu quả.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững được tỉnh triển khai đồng bộ và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh có 108 trong số 116 xã, 5 trong số 15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới, trong đó có năm xã nông thôn mới nâng cao. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; 100% số xã trong đất liền đường giao thông được trải nhựa hóa; các đường liên ấp, liên xã được trải nhựa, bê-tông hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tỉnh tập trung phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; quy hoạch hệ thống cảng biển... Đến cuối tháng 6/2023, tỉnh thu hút 805 dự án với tổng vốn đăng ký là 390.360 tỷ đồng. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80,3% GRDP của tỉnh.
Điểm sáng nữa trong phát triển kinh tế của tỉnh là sự phục hồi, phát triển trở lại của ngành du lịch, dịch vụ sau đại dịch Covid-19. Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước. Từ năm 2021 đến cuối năm 2023 thu hút hơn 15,2 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 16,97%/năm, trong đó khách quốc tế gần 534.600 lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 24 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 18,23%/năm.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội từ năm 2021 ước đến cuối năm 2023 đạt 121.445 tỷ đồng, đạt 45,46%.
Riêng đối với thành phố Phú Quốc, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động khá tốt các nguồn lực, vận dụng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư... Đến nay, địa phương này thu hút 312 dự án đầu tư, vốn đăng ký 383.789 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án lớn có tính đột phá ở Phú Quốc hoàn thành và đưa vào hoạt động phát huy hiệu quả, từ đó địa phương đóng góp hơn 43% tổng thu ngân sách cho tỉnh…
Các hoạt động văn hóa-xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%, ước đến cuối năm 2023 còn 1,7%.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, vào Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tiếp tục được nâng lên.
Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Kiên Giang phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới và trở thành tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình phát biểu tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Quốc Trinh
Phóng viên: Kết quả nêu trên đòi hỏi vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, người đứng đầu các cấp và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong thời gian qua?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Từ quá trình lãnh đạo và thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rút ra một số kinh nghiệm bước đầu. Đó là trong lãnh đạo, chỉ đạo cần bám sát Nghị quyết đại hội 11 Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; điều hành tập trung, quyết liệt việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện với quyết tâm, nỗ lực đạt mức cao nhất các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh thích ứng nhanh nhạy, linh hoạt với diễn biến của tình hình, nhất là tác động bất lợi của dịch bệnh, thiên tai. Từ đó huy động và khơi dậy nội lực của địa phương, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ của doanh nghiệp và nhân dân trong phòng chống dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh, bảo đảm tốt an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên gắn với phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tập trung thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo yêu cầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý nghiêm sai phạm.
Trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải cụ thể, phù hợp; bố trí thời gian, phân bổ nguồn lực bảo đảm, hợp lý, khả thi; phân công tập thể, cá nhân thực hiện phải cụ thể, gắn kết quả với trách nhiệm khen thưởng, xử lý sai phạm. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện, nhất là phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên…
Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hiện thực hóa các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra, khai thác tốt thế mạnh của địa phương, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đề ra và triển khai những giải pháp đột phá nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Thanh Bình: Để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra với tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,24% trở lên, hai năm còn lại (2024-2025), tỉnh đề ra mục tiêu bình quân mỗi năm phải tăng từ 10,24% trở lên. Trong đó, tập trung thúc đẩy phát triển mạnh khu vực thương mại-dịch vụ, gia tăng giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản để bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Cùng với đó là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực công nghiệp-xây dựng để phát triển nhanh hơn; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao kim ngạch xuất khẩu...
Kiên Giang sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng; khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, kết nối với các tuyến du lịch trong nước và quốc tế. Thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện mặt trời, năng lượng tái tạo khác và phát triển kinh tế hàng hải.
Là địa phương có tiềm năng du lịch cho nên tỉnh sẽ lãnh đạo phát triển mạnh ngành dịch vụ, du lịch, phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 12,45%. Tập trung cơ cấu lại ngành du lịch phù hợp với bối cảnh và xu hướng phát triển du lịch của quốc gia, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và động lực thúc đẩy ngành khác phát triển. Kiên Giang phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước.
Tới đây, tỉnh Kiên Giang tổ chức tổng kết việc thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc và lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Phú Quốc. Qua đó đề xuất các cơ chế, chính sách mới phù hợp; tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ thành phố. Cùng với đó là nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị thành phố, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, xây dựng thành phố Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế…
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Đến cuối tháng 6/2023, tỉnh thu hút 805 dự án với tổng vốn đăng ký là 390.360 tỷ đồng. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80,3% GRDP của tỉnh. Đồng chí Đỗ Thanh Bình |
Quốc Trinh (thực hiện)