Kon Tum: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi, toàn huyện hiện có 33 nhà rông truyền thống, tập trung nhiều nhất ở các xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang. Thời gian qua, huyện đã quan tâm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa nhà rông của đồng bào DTTS. Cụ thể, UBND huyện ban hành kế hoạch số 3266/KH-UBND ngày 28/9/2021 về Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa nhà rông truyền thống các DTTS tại chỗ huyện Ngọc Hồi giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, UBND huyện Ngọc Hồi chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn đưa nội dung bảo tồn các giá trị văn hóa nhà rông truyền thống vào hương ước, quy ước của thôn, làng; nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà rông, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ các giá trị văn hóa nhà rông tại địa phương.
Xã Đăk Nông là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nhà rông. Hiện, 7 thôn DTTS của xã đều có nhà rông truyền thống. Chính quyền và mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhờ vậy cộng đồng người DTTS nơi đây luôn có ý thức về gìn giữ và phát huy các giá trị của nhà rông.
Nghệ nhân dân tộc Gié- Triêng trình diễn cồng chiêng tại nhà rông truyền thống. Ảnh: N.S
Nhà rông thôn Kà Nhảy (xã Đăk Nông) được xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2022. Nhà rông nằm giữa thôn, có chiều dài gần 7m, rộng 4m, cao 8m; kết cấu vách, sàn, trụ bằng gỗ, mái lợp tranh, đúng bản sắc văn hóa của người Gié - Triêng.
Theo ông A Nhàn (69 tuổi) - già làng thôn Kà Nhảy, trước đây, nhà rông này được xây dựng với mái tôn, trụ bê tông nên mất bản sắc truyền thống. Năm 2021, dựa theo nguyện vọng của người dân xây dựng nhà rông nguyên bản truyền thống của dân tộc Gié - Triêng với kết cấu bằng nguyên liệu tự nhiên, thôn đã tổ chức họp bàn và thống nhất thành lập 7 tổ xây dựng (25 - 30 hộ/tổ) thay phiên nhau lên rừng tìm kiếm cỏ tranh, tre, dây mây. Với sự quyết tâm, đoàn kết của người dân cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến đầu năm 2022, nhà rông thôn Kà Nhảy được xây dựng xong với tổng kinh phí quy ra tiền gần 200 triệu đồng.
Bà Y Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cho biết, những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay giữ gìn, phát huy giá trị nhà rông luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. Từ năm 2019 đến nay, xã đã xây dựng mới 2 nhà rông, nâng cấp và sửa chữa 3 nhà rông bị hư hỏng, xuống cấp.
Rời xã Đăk Nông chúng tôi đến xã Đăk Dục thăm nhà rông thôn Dục Nhầy 3. Ông Kring Choắk - Trưởng thôn Dục Nhầy 3 cho biết: Cách đây 5 năm, khi nhà rông của thôn xuống cấp trầm trọng, nhiều người lớn tuổi trong thôn rất trăn trở. Năm 2018, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 hỗ trợ 70 triệu đồng để làm mới nhà rông. Tuy cuộc sống của nhân dân thôn Dục Nhầy 3 lúc đó còn khó khăn nhưng khi được vận động, gần 120 hộ của thôn đều đồng tình hưởng ứng đóng góp từ 300.000 -500.000 đồng/hộ.
Nhà rông truyền thống của thôn Kà Nhảy được xây dựng mới bằng vật liệu tự nhiên. Ảnh: NS
“Đầu năm 2019, khi có đủ kinh phí, thôn phân công thanh niên lên rừng chặt tre, nứa, phụ nữ cắt tranh, dây mây. Sau hơn 5 tháng tìm kiếm, chuẩn bị đầy đủ vật liệu đến giữa năm 2019 nhà rông đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 130 triệu đồng”- ông Kring Choắk chia sẻ.
Ông Bloong Rum (74 tuổi) - già làng thôn Dục Nhầy 3, bộc bạch: “Nhà rông không chỉ là nơi diễn ra lễ hội truyền thống tốt đẹp của nhân dân mà còn triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Khi có nhà rông mới, bà con trong thôn rất phấn khởi”.
Ông Bùi Viết Sỹ - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi khẳng định: “Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa nhà rông truyền thống, thời gian tới, chúng tôi tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ nhà rông. Đồng thời, chú trọng sửa chữa, tôn tạo để kéo dài tuổi thọ của nhà rông, gắn nhà rông với không gian sinh hoạt văn hóa, cuộc sống hàng ngày của người dân, thôn, làng”.
Nay Săt