Kon Tum: Giữ gìn tinh hoa ẩm thực của các dân tộc thiểu số
Ẩm thực của mỗi cộng đồng DTTS thể hiện phong tục, lối sống, tình cảm của bà con với thiên nhiên, cội nguồn. Các món ăn gắn liền với đời sống thường ngày, có cách chế biến không quá cầu kỳ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và được truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi cộng đồng có một “công thức” đặc trưng riêng cho ẩm thực của mình, nhưng đều hướng đến giữ nét tự nhiên, tươi ngon, dân giã trong mỗi món ăn.
Bà con đồng bào DTTS có nhiều món ăn truyền thống hấp dẫn, trong đó phổ biến nhất là món cơm lam. Thay vì dùng nồi, cơm sẽ được nấu hoặc nướng trong ống tre, nứa hoặc lồ ô. Bà con thường lựa chọn nếp nương có hạt chắc, mẩy, đảm bảo độ dẻo khi chín, không bị khô. Chọn lồ ô để nướng cơm lam phải là ống tươi to bằng ống tay là vừa đẹp, không quá non, không quá già để khi nướng không bị cháy và tách dễ dàng khi chín. Khi cho gạo vào ống một đầu sẽ được bịt kín, đầu kia để hở rồi đem nướng.
Chị Y Phan - thôn Kép Ram (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum chia sẻ bí quyết: “Để làm cơm lam ngon, khâu quan trọng nhất là ủ, ngâm gạo. Ngâm gạo tầm 4- 6 tiếng là đủ, ngâm nhiều quá sẽ bị chua, không ngon”.
Món gà nướng cơm lam đặc trưng của vùng đất Kon Tum. Ảnh: H.T
Ngoài món cơm lam, bà con đồng bào các DTTS còn có món ăn cũng khá độc đáo nữa là gỏi lá mì. Đây là món bà con tận dụng những loại rau, quả tự nhiên. Dù vị đắng, cay, chát nhưng lại trở thành món ăn mang lại cảm nhận thú vị cho những ai có cơ hội được nếm thử. Món gồm những nguyên liệu như lá mì gòn, cà đắng, ớt, tỏi, sả. Đồng thời, còn có thể cho thêm cá khô, cá suối hoặc thịt để tăng độ thơm, ngậy. Lá và đọt mì vò kỹ, vắt nước sẽ đem xào với các nguyên liệu, nêm nếm tùy khẩu vị.
Chị Y Cô Viên - thôn Kép Ram (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) cho biết: “Đối với món lá mì truyền thống, quan trọng nhất là thời gian hái lá mì, thường là hái vào buổi sớm mai cho lá được tươi và ngon, đỡ chát. Lá mì được chọn thường là lá mì gòn, ngon nhất là lá mì cổ nhưng giờ hiếm lắm. Quan trọng không kém là công đoạn vò, vò đều tay từ trên xuống, không được làm nát nếu không sẽ không ngon”.
Ẩm thực của bà con người DTTS trên địa bàn tỉnh dân dã, gần gũi với núi rừng và rất giàu dinh dưỡng, là nguồn thức ăn nuôi nấng bao lớp trẻ trong làng. Chính vì vậy, cộng đồng người DTTS rất chú trọng truyền dạy kinh nghiệm, phong tục nấu ăn cho con cháu. Vào mỗi dịp lễ, tết hay có dịp tụ họp, các gia đình DTTS sẽ chế biến những món ăn truyền thống, phụ nữ hay đàn ông trong nhà đều cùng nhau chuẩn bị nguyên liệu, chế biến các món ăn, tạo không khí rôm rả, ấm cúng.
Trong số những món ăn gần gũi không thể không kể đến món thịt nướng ống lồ ô, ống nứa từ lâu đã trở thành một cách nấu truyền thống của nhiều đồng bào DTTS. Món này có nguồn gốc từ văn hóa xa xưa, khi quá trình lao động sản xuất của bà con chiếm thời gian dài trên rẫy, món thịt nướng trong ống lồ ô sẽ thuận tiện, ngon và để được lâu hơn.
Món ăn truyền thống gỏi lá làm say lòng du khách khi đến với Kon Tum. Ảnh: H.T
Tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum diễn ra vào cuối tháng 11/2023, trong phần giới thiệu các món ăn truyền thống của dân tộc Gié Triêng ở làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), món thịt nướng gác bếp, thịt nướng ống lồ ô đã làm nức lòng du khách. Để có một món thịt nướng lồ ô chuẩn vị, bà con các DTTS thường lựa chọn thịt heo làng, không cần ướp quá nhiều gia vị để giữ được vị ngon tự nhiên của thịt, chỉ cần nêm một chút muối, tiêu, bột gạo. Khi thịt thấm vị sẽ được nhồi vào ống lồ ô.
Chị Y Nga – làng Đăk Răng, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) cho biết: “Đến với ngày hội, chúng tôi mang đến những món ăn, sản phẩm OCOP truyền thống để quảng bá đến người dân và du khách, cùng giao lưu, lan tỏa nét đẹp ẩm thực với các cộng đồng DTTS khác. Công đoạn khó nhất khi chế biến các món thịt nướng cũng như món thịt nướng ống lồ ô là phải biết canh lửa. Khâu nướng và chuẩn bị vật liệu cũng quan trọng không kém, đối với trấu phải đốt trước tầm 3-4 tiếng để trấu có độ nóng, sau đó, mới đặt ống lồ ô lên trên để nướng. Trong suốt quá trình phải kiểm soát và đảo đều tay, quan sát hơi nước bốc lên để nhận biết được độ chín của thịt”.
Thời gian qua, tại các chương trình, hoạt động văn hóa do các cấp tổ chức, cuộc thi về ẩm thực truyền thống trở thành nội dung không thể thiếu. Qua đó tạo cơ hội cho cộng đồng các DTTS giao lưu, quảng bá đến đông đảo người dân, du khách những mâm cỗ truyền thống, góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của cộng đồng các DTTS.
Gần đây nhất, tại Liên hoan Ẩm thực thành phố Kon Tum năm 2024 cũng đã diễn ra sôi nổi, đặc sắc với hơn 250 món ăn mang đậm bản sắc các vùng miền Tây Nguyên. Trong đó, các DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có nhiều món ăn truyền thống ý nghĩa như gà nướng, cơm lam, lá mì xào, gỏi lá, cá nướng lá chuối, gà nướng, rượu ghè... Những món ăn được bà con chuẩn bị chu đáo, thể hiện niềm tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó, đã giúp thu hút hàng trăm người dân, du khách đến tham quan, thưởng thức, tìm hiểu về văn hóa ẩm thực.
Bà con DTTS thưởng thức món ăn truyền thống với rượu ghè. Ảnh: H.T
Anh A Mĩm- thành viên HTX Du lịch - Nông nghiệp Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) tham gia tại Liên hoan cho biết: “Người Ba Na chúng tôi mang đến Liên hoan ẩm thực những món ăn truyền thống như gà nướng cơm lam, rau dớn xào, cà đắng, cá suối cũng như món truyền thống của địa phương với mong muốn quảng bá hình ảnh xã Đăk Rơ Wa đến bạn bè trong và ngoài thành phố Kon Tum”.
Có thể thấy, ẩm thực của đồng bào các DTTS không chỉ có giá trị văn hóa, gắn bó với đời sống, tinh thần của bà con mà còn là sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với nhiều sự lựa chọn làm cho văn hóa truyền thống nói chung và ẩm thực truyền thống dễ bị pha tạp. Bên cạnh đó còn nguyên liệu tự nhiên dần khan hiếm, quy trình chế biến công phu nên việc gìn giữ một số món ăn đúng với truyền thống gặp không ít khó khăn. Các món ăn truyền thống chỉ thường xuyên xuất hiện trong các lễ hội, cuộc thi ẩm thực, đứng trước nguy cơ bị mai một.
Ẩm thực truyền thống của các DTTS là sự kết tinh tinh hoa văn hóa bản địa, mang đặc trưng vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể và sự chung tay, ý thức của cộng đồng DTTS và toàn xã hội để giữ gìn và phát huy bản sắc ẩm thực truyền thống.
Hoàng Thanh