Hành trang lữ khách

Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao Đỏ ở Việt Quang (Hà Giang)

Cập nhật: 03/04/2020 13:49:03
Số lần đọc: 795
Năm 2018, kỹ thuật làm giấy bản của người Dao Đỏ, thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kỹ thuật làm giấy bản của người Dao Đỏ ở thị trấn Việt Quang là quy trình sản xuất giấy bản được tạo ra với bàn tay, khối óc và kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều thế hệ. Người Dao Đỏ phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau, công phu và hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.

Nguyên liệu chính làm giấy bản là măng của cây vầu. Công việc lấy măng vầu thường diễn ra vào cuối tháng giêng, đến hết tháng ba âm lịch. Khi măng vầu lớn thành cây non, bà con lên rừng chọn những cây có gióng dài nhất đem về chặt ra, ngâm nước. Chờ vầu ngâm đủ độ mềm, sau khoảng 3 tháng, bà con vớt vầu ra rồi dùng chày, cối thủ công giã thành bột. Bột được pha với nhớt của một loại cây trên rừng gọi là cây nhớt làm cho giấy dai hơn.

Bột vầu và nhớt được hòa vào trong bể nước, tiếp đó bà con dùng sàng bằng tre, được vót, đan rất khéo léo để khua, lắng vớt, tạo ra những màng bột mỏng, đó chính là giấy bản. Cứ thế, lớp nọ vớt lên xếp lên lớp kia, ép thủ công cho kiệt nước rồi mang ra phơi vài nắng để có được những tấm giấy bản màu vàng nhạt, dai và có một mùi khá thơm giống như giấy điệp vẽ tranh Đông Hồ nổi tiếng ở đất Kinh Bắc.

Để gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, người Dao Đỏ ở Thanh Sơn chỉ truyền bí quyết sản xuất cho con trai hoặc con trưởng, cháu đích tôn; người học nghề phải ứng xử theo "đạo" và những quy tắc nhất định; những sản phẩm bị lỗi đều được ngâm vào nước, sản xuất lại… Điều đó cho thấy, những yếu tố nhân văn và giá trị văn hóa truyền thống quý báu được người Dao Đỏ nơi đây đặc biệt coi trọng, gìn giữ.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền văn hóa trong nước cũng như thế giới, văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc thiểu số đang chịu tác động rất mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, lối sống hiện đại khiến nhiều nét đẹp văn hóa đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền thì kỹ thuật làm giấy bản của người Dao Đỏ tại thôn Thanh Sơn vẫn được bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Không chỉ tạo ra sản phẩm phục vụ đời sống cộng đồng, giấy bản đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được thị trường đón nhận./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục