Hoạt động của ngành

Lai Châu: ''Biến di sản thành tài sản''

Cập nhật: 15/12/2023 16:22:47
Số lần đọc: 768
Dân ca, dân vũ là các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, sản xuất, tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số. Để bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc này, Lai Châu đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả trong thời đại công nghệ số và hội nhập quốc tế.


Bảo tồn giá trị truyền thống

Từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, công tác bảo tồn giá trị truyền thống dân ca, dân vũ luôn là điểm nhấn được các địa phương, cơ quan chuyên môn của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện; đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương và từng vùng đồng bào dân tộc. Chị Mào Thị Đức, biên đạo múa Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Để đội văn nghệ cơ sở có những tiết mục hay, độc đáo, mang đậm bản sắc của từng tộc người, chúng tôi - những biên đạo múa thường xuyên đến các xã, bản vùng sâu, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Thu Lũm, Mù Cả (huyện Mường Tè); Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ)... hướng dẫn luyện tập, lựa chọn chất liệu âm nhạc. Nhờ đó, giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc thông qua các bài dân ca, dân vũ, dân nhạc từng bước được quan tâm, chú trọng bảo tồn, phát huy và trở thành nét đẹp trong các dịp lễ, tết, hội”.

Với tinh thần khơi dậy, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy sự phát triển, bằng nhiều hình thức, cách làm, phong trào văn hóa văn nghệ trong quần chúng trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển; người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đến nay, toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ xã, bản hoạt động thường xuyên, hiệu quả. 100% các trường học duy trì, phát triển câu lạc bộ (CLB) văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên “CLB bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc”.

Những điệu múa truyền thống được bà con dân tộc Hà Nhì (xã Thu Lũm, huyện Mường Tè) gìn giữ, thường xuyên biểu diễn trong dịp lễ, tết.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, sở đã tổ chức 22 lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian; hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động trên 20 CLB bảo tồn văn hóa các dân tộc. Triển khai thực hiện 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; thực hành, trình diễn, bảo tồn 7 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; gắn hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc với các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng các cấp, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng các xã biên giới, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số, Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu...

Thúc đẩy phát triển du lịch

Với phương châm: lấy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc để phát triển du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, từ đó nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch của tỉnh, nên giá trị dân ca, dân vũ của các dân tộc nói chung, điểm du lịch cộng đồng nói riêng được các địa phương khai thác, phát huy hiệu quả. Người dân chủ động đầu tư xây dựng homestay; thành lập đội văn nghệ bản; sản xuất, giới thiệu sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ ẩm thực… Qua đó, nhận được những đánh giá cao của các đơn vị lữ hành và du khách.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Liên minh Du lịch Toàn Cầu (Global travel) có trụ sở tại Hà Nội cho hay: “Tôi thấy những bài hát, điệu múa của các dân tộc ở Lai Châu rất hay, độc đáo và khác lạ so với các vùng miền đã đi qua. Nét đẹp ấy không chỉ bởi sự rực rỡ sắc màu hoa văn thổ cẩm của những bộ trang phục, tiếng khèn, tiếng sáo véo von, mà cả từ nụ cười của các “diễn viên không chuyên” thể hiện sự tự nhiên, mộc mạc như chính núi rừng nơi đây vậy. Những điều đó tạo cho tôi và các thành viên trong đoàn cảm giác hồ hởi, thích thú trong chuyến đi này. Chúng tôi sẽ sớm đưa khách du lịch quay trở lại nơi này để được trải nghiệm nhiều hơn những bài hát dân ca, dân vũ, phong cảnh hữu tình của đất và người Lai Châu”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, Trưởng Phòng Quản lý lữ hành (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) Nguyễn Đạo Dũng cho biết: “Điều hấp dẫn du khách tại Lai Châu chính là những sắc màu riêng biệt, độc đáo và khác lạ của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc... Và, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) đã làm rất tốt điều này. Vì sao lại nói như vậy, minh chứng là bản đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm du lịch OCOP 4-5 sao trong năm 2023; đạt Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 do khối ASEAN vinh danh trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.

Đồng bộ giải pháp, huy động nguồn lực từ cộng đồng, Lai Châu đã và đang phát huy rõ nét các giá trị của dân ca, dân vũ nên lượng khách du lịch tăng qua các năm. Trong giai đoạn 2021-2023, ước đạt gần 2 triệu lượt người; riêng năm 2023, ước đón trên 1.045.000 lượt khách, doanh thu ước đạt khoảng 784 tỷ đồng. “Biến di sản thành tài sản” thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng các tour, tuyến gắn với hoạt động của đội văn nghệ tại các điểm du lịch cộng đồng; lan tỏa các giá trị văn hóa phong phú, độc đáo, nổi bật của các tộc người, góp phần xây dựng ngành Du lịch phát triển bền vững với những dấu ấn riêng.

Hà Dũng

Nguồn: Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 12/12/2023

Cùng chuyên mục