Lâm Đồng thông tin về việc bán vé vào thăm “Cây thông cô đơn”
Những người du lịch tới địa điểm trên đã bày tỏ bất bình trên các trang mạng xã hội, bởi trước kia địa điểm này được mở tự do cho mọi người có thể tới đây chụp ảnh, cắm trại.
Có mặt tại điểm bán vé của Công ty cổ phần Lâm An-Lạc Dương (gọi tắt là LAAN) sáng 13/2, nhóm phóng viên TTXVN chứng kiến nhiều bạn trẻ tỏ ra bất ngờ khi biết tại đây bán vé, thay vì ra vào tự do như thời gian trước.
Anh Nguyễn Trường Giang, 21 tuổi, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi mới tới đây lần đầu, nhưng rất bất ngờ khi biết ở đây có bán vé bởi bạn bè tôi đi tới đây đều nói là địa điểm này không thu phí dịch vụ. Chúng tôi muốn tự mình đi xe máy xuống để trải nghiệm. Nhưng doanh nghiệp quản lý ở đây không cho phép đi xe cá nhân vào, mà bắt buộc phải sử dụng xe của doanh nghiệp.”
Anh Văn Đình Khôi, 22 tuổi, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng: Dù bất ngờ nhưng tôi cũng thấy hợp lý, vì họ bỏ tiền ra làm đường, có xe đưa mình đi xuống an toàn thì cả 2 bên cùng có lợi vì đường xuống đó rất hiểm trở. Trước đây có mấy người chạy xe ôtô 2 cầu cũng tổ chức đưa khách xuống, hoặc đưa khách đi thuyền qua lòng hồ với giá 100.000-150.0000 đồng. Nay thấy doanh nghiệp bán vé 40.000 đồng mà có xe đưa xuống miễn phí thì rất hợp lý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Việt, Giám đốc Công ty cổ phẩn Lâm An Lạc Dương cho biết việc bán vé vào điểm du lịch này là do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà thực hiện, bởi đây là lâm phần thuộc vùng quản lý của Vườn Quốc gia. Công ty Lâm An là đơn vị phối hợp thực hiện việc bán vé và đưa đón khách. Hiện tại, đơn vị đang bán vé với mức 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em.
Đối tượng học sinh - sinh viên được giảm 50% giá vé. Đơn vị tổ chức xe miễn phí, đưa khách từ điểm tập kết xuống hồ Đankia-Suối Vàng, nơi có “cây thông cô đơn” qua con đường đất do doanh nghiệp mới mở dài khoảng 900m. Số tiền bán vé, doanh nghiệp chỉ được hưởng 20%, bởi vậy doanh nghiệp dự tính sẽ phát triển thêm các loại dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm… để tăng thu nhập cho đơn vị, đồng thời đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết ngày 23/1/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương đã có Văn bản số 113/UBND-VP về việc đề nghị dừng hoạt động du lịch tại một số khu vực trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Văn bản nêu rõ: “Đối với khu vực cây thông cô đơn thuộc tiểu khu 112A, Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, thị trấn Lạc Dương, đây là khu vực nhạy cảm đã từng xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất, đào hồ, trồng cây trái phép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên trong thời gian diễn ra Lễ hội cỏ hồng Lang Biang 2018. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương đang phối hợp chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc vận chuyển trái phép khách du lịch bằng đường thủy sang khu vực cây thông cô đơn, vì vậy việc tổ chức đưa khách tham quan dã ngoại tại khu vực này rất dễ gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện.
Đây cũng là khu vực thuộc Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và đang được Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể. Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tạm thời không tổ chức các tuyến du lịch tại khu vực cây thông cô đơn thuộc tiểu khu 112A…”
Trả lời văn bản 113 của Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã có văn bản số 95/CV-VQG ngày 30/1/2019 có nêu: Bộ phim mang tên “Đời cho ta bao lần đôi mươi” quay tại khu vực hồ Đankia - Suối Vàng có cây thông cô đơn. Sau khi công chiếu ngày 28/7/2017, bộ phim thành công về mặt dựng cảnh, nhiều du khách đến tham quan. Việc tham quan tự phát của du khách đã gây tác động xấu đến cảnh quan khu vực như phóng uế và xả rác bừa bãi, chặt cây lấy củi đốt lửa vào ban đêm cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho du khách.
Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cho biết khu vực này nằm trong tổng thể mà Vườn quản lý. Do du khách tới đây tự phát đã phá vỡ cảnh quan môi trường, nhiều hàng quán trái phép mọc lên trong khu vực, nhiều người sử dụng xe ôtô, thuyền máy đưa khách vào địa điểm du lịch trên với giá cao. Nhưng các hoạt động này đều không thu được ngân sách cho nhà nước, nên Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng để tổ chức bán vé, nhằm tăng thu ngân sách cho hoạt động của đơn vị và nhà nước; đồng thời quản lý được các hoạt động trái phép, gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch địa phương.
Theo ông Lê Chí Quang Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lạc Dương, huyện đã nhận được văn bản trả lời của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhưng chính quyền địa phương vẫn bảo lưu quan điểm theo Văn bản 113. Huyện đang chỉ đạo Phòng Văn hóa kiểm tra sự việc, đề nghị Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà hoàn tất cả thủ tục để kinh doanh dịch vụ du lịch theo đúng quy định của pháp luật. Ông khẳng định vị trí cây thông cô đơn nằm ngoài khu vực mà Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà được giao quản lý.
“Cây thông cô đơn” là điểm du lịch tự phát khá nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng, nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 15km. Tại đây trên bờ hồ Đankia - Suối Vàng có một cây thông lớn, đứng một mình giữa bãi cỏ hồng ven bờ hồ, tạo nên một khung cảnh rất thơ mộng và hấp dẫn nhiều du khách. Sau khi được các nhà nhiếp ảnh phát hiện và đưa lên mạng xã hội khoảng năm 2014 (chứ không phải sau khi công chiếu bộ phim “Đời cho ta bao lần đôi mươi” năm 2017), rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm đến đây để chụp ảnh, cắm trại.
Phản ứng của du khách sau khi Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tổ chức bán vé vì nhiều người cho rằng đây là địa điểm thiên nhiên tạo ra, hoàn toàn không phải khu du lịch do một doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư, nên việc bán vé là không hợp lý. Còn việc doanh nghiệp tổ chức xe đưa khách xuống thì việc thu phí là đương nhiên, trong khi doanh nghiệp hiện đang thực hiện miễn phí dịch vụ này./.