Hoạt động của ngành

Những nông dân chân lấm, tay bùn làm du lịch ở Bình Liêu (Quảng Ninh)

Cập nhật: 12/02/2019 09:26:07
Số lần đọc: 1649
Từ những nông dân chân lấm tay bùn quanh năm gắn bó với ruộng vườn, họ đã biết khai thác hiệu quả những lợi thế, đặc trưng của địa phương, biến bản thân và gia đình trở thành ông chủ, bà chủ, hướng dẫn viên du lịch. Câu chuyện về những người nông dân làm du lịch đã không còn xa lạ ở Quảng Ninh. Từ miền Tây cho đến miền Đông, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người nông dân mạnh dạn, tự tin, say sưa giới thiệu về nét đẹp, văn hóa độc đáo của địa phương mình cho du khách với niềm tự hào và yêu mến vô cùng.


Khách du lịch trải nghiệm đánh bắt cá bằng nơm tại Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều).
 

Chân lội ruộng, miệng... nói tiếng Anh

Từ TP Hạ Long, chúng tôi vượt hơn 100km đến bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, vào những ngày đầu xuân. Trời se lạnh, trong những lớp sương mù bảng lảng, cảnh sắc miền biên giới hiện lên khi mờ khi tỏ. Dọc con đường vành đai biên giới là không gian xanh mênh mông của núi rừng. Đồi nối tiếp đồi, thảm cây xanh xen lẫn sắc trắng tinh khôi của hoa sở - loài hoa đặc trưng của núi rừng Bình Liêu. Chen lẫn giữa những ngôi nhà trình tường mái ngói âm dương của đồng bào dân tộc Dao bản Phạt Chỉ có một căn nhà sàn gỗ với sắc đỏ ấm áp, tọa lạc ở vị trí đắc địa. Đó chính là homestay A Dào của vợ chồng anh Tằng A Dào và chị Lý Thị Hạnh.

Chị Lý Thị Hạnh, chủ nhân homestay A Dào, có dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, niềm nở đón chúng tôi. Người phụ nữ nhỏ bé trong bộ trang phục dân tộc Dao trước mắt tôi chưa từng biết đến khái niệm thế nào là du lịch, chưa từng bước chân ra khỏi huyện nhưng lại là chủ nhân của mọi ý tưởng, từ việc lựa chọn vị trí đến từng vật liệu để xây dựng nhà nghỉ theo hình thức homestay vốn rất mới mẻ ở Bình Liêu. Trò chuyện với chị, chúng tôi càng hiểu thêm sự quyết tâm cùng một chút... liều lĩnh của người phụ nữ dân tộc này. Chị chia sẻ: Để xây được ngôi nhà này, hai vợ chồng tôi mất 1 năm để chuẩn bị. Do kinh tế còn hạn hẹp, nên cái gì tự chuẩn bị được là chúng tôi đều tận dụng tối đa, từ việc lên rừng tìm mua gỗ, rồi bìa ván để về làm. Nhiều lúc thấy nản, song hai vợ chồng lại tự động viên nhau cố gắng.

Trước đó, vợ chồng chị định xây dựng homestay ở gần bản Khe Tiền - một địa điểm du lịch của huyện nhưng như vậy cũng khá tốn kém. Sau những ngày trăn trở suy nghĩ, chị nhận ra không đâu bằng nơi mình đang ở. Diện tích đất nhà chị ở tại bản Phạt Chỉ còn rộng, nơi đây 4 phía bao quanh là núi rừng hùng vĩ, không khí lúc nào cũng mát mẻ dễ chịu, phía trước mặt đối diện với khu vực cột mốc 1327, chếch một đoạn là cột mốc 1328, chếch sang trái hơn 1 cây số là bãi đá Kéo Nạn, do đó vợ chồng chị đã quyết định xây homestay trên chính mảnh đất gia đình sinh sống. Chị Hạnh chia sẻ thêm: Ban đầu khi mới bắt tay vào thực hiện cũng gặp không ít khó khăn vì từ bé đến giờ mình chưa biết làm du lịch là như thế nào, homestay ra sao và làm thế nào để khách du lịch yên tâm, vui vẻ khi đến với mình.

Vậy mà giờ đây, chị đã tạo được dấu ấn đối với du khách bởi những món ăn của người Dao do chính chị chế biến, ngay tại homestay. Trung bình, 3 phòng ở homestay có thể phục vụ đến gần 100 khách. Ở đây, du khách còn được tận mắt nhìn cách tráng phở của người Dao, xem xay thóc bằng cối đất, trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao…

Chia tay miền biên giới, chúng tôi ngược về Đông Triều - mảnh đất cửa ngõ của Quảng Ninh để tới thăm làng quê Yên Đức. Một khung cảnh làng quê Bắc Bộ yên bình hiện lên thật đẹp, xua tan đi những hối hả thường nhật của cuộc sống bộn bề. Xã Yên Đức có những con đường làng sạch sẽ, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những ao cá, vườn cây, những hàng cau thẳng tắp vươn mình đón nắng. Đâu đó bên mái hiên nhà, đôi chim sẻ đang ríu rít “chuyện trò”... Chúng tôi gặp những người nông dân thuần phác, quen “chân lấm, tay bùn” ở làng quê Yên Đức nay đã trở thành những hướng dẫn viên vô cùng chuyên nghiệp, thậm chí còn tự tin nói chuyện với khách nước ngoài bằng tiếng Anh.

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến cụ bà Đặng Thị Tách ở xóm Trại, thôn Yên Khánh, xã Yên Đức, gặp cụ đang hướng dẫn cho đoàn du khách nước ngoài tìm hiểu nghề làm chổi rơm. Cụ là người đầu tiên trong làng làm cộng tác viên du lịch, giới thiệu và hướng dẫn khách du lịch nghề làm chổi. Ở tuổi 80, cụ Tách tự nhiên, vui vẻ giúp khách du lịch tự làm chổi. Cuộc trò chuyện mặc dù phải qua phiên dịch nhưng mọi người đều rất vui vẻ, hồ hởi, không còn khoảng cách về văn hóa, về ngôn ngữ. Cụ Tách kể: Vốn là nông dân, quen công việc đồng áng nên khi tham gia làm du lịch, tôi cũng thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ lắm. Thế rồi, làm nhiều cũng quen bởi mình cũng chỉ giới thiệu cho du khách chính những nếp sống, nét sinh hoạt hằng ngày của mình, văn hóa, truyền thống của quê hương mình. Tôi tin rằng chính sự mộc mạc, tự nhiên, thuần phác ấy là điểm thu hút, để lại dấu ấn, lưu luyến cho du khách.

Mỗi năm, làng quê Yên Đức đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó phần nhiều là du khách nước ngoài. Để tự tin giao tiếp và phục vụ du khách tốt hơn, nhiều nông dân trong xã đã tham gia học tiếng Anh, học kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch. Gia đình chị Dương Thị Mến, thôn Yên Khánh, xã Yên Đức, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay cho khách du lịch, thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài nhưng lại không biết giao tiếp bằng tiếng Anh, nên chị quyết tâm tham gia các khóa học tiếng Anh mở tại địa phương. Chị Mến tâm sự: “Mấy năm gần đây, năm nào ở xã cũng có lớp dạy tiếng Anh cho người dân, không cứ phải là dân làm du lịch. Trong xã, không kể già trẻ, lớn bé gì cũng đều đăng ký đi học. Như chúng tôi có tuổi rồi nhưng sau mấy khóa học, giờ tôi cũng nói được ít câu xã giao thông thường khi đón khách...”.

Rủ nhau làm du lịch “nhà quê”


Anh Vũ Văn Hữu, chủ nhà nghỉ homestay Hữu Quyên, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến đã mạnh dạn mở rộng quy mô homestay để đón khách du lịch. (Ảnh: Thu Nguyên)
 

Không riêng gì các địa phương miền núi, tại các khu vực biển đảo, những người nông dân cũng đã biết cách làm du lịch theo những cách rất riêng. Đến Cô Tô, du khách nhắc tới anh Vũ Văn Hữu, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, với những homestay xinh xắn, đến đảo Cái Chiên là nhớ tới homestay của anh Trần Quốc Toản, thôn Đầu Rồng…

Giờ đây, những sinh hoạt, công việc thường ngày như: Gặt lúa, xay thóc, giã gạo, úp nơm bắt cá, đánh cá, thêu thùa,… đều được người nông dân “biến hóa” trở thành sản phẩm phục vụ khách du lịch. Du khách được đón tiếp nồng hậu, được chính những người dân bản địa hướng dẫn và trực tiếp tham gia trải nghiệm, hòa mình vào đời sống dân dã ở từng vùng miền. Sau khi trải nghiệm ở làng quê Yên Đức, chị Ciemma Dawson, đến từ Singapore, cho biết: “Tôi rất bất ngờ. Tôi không nghĩ rằng khi đến Việt Nam mình lại có cơ hội trải nghiệm những điều tuyệt vời thế này. Người dân ở đây rất nhiệt tình và thân thiện. Họ đón tiếp và trò chuyện với gia đình tôi như những người bạn thực sự, điều đó khiến tôi cảm thấy mình là một vị khách rất đặc biệt”.

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh, du khách đến từ Hải Dương, chia sẻ: Đến Bình Liêu, chúng tôi không chỉ được tham quan các cột mốc, đường biên giới mà còn được tìm hiểu phong tục tập quán của bà con dân tộc, được bà con hướng dẫn thêu thùa hoa văn mang bản sắc người dân tộc Dao và mặc thử các trang phục của họ, rất thú vị.

Du lịch cộng đồng hiện mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế cho người dân. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà loại hình du lịch này còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương. Với sự phát triển của các loại hình du lịch cộng đồng, người dân địa phương được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch với vai trò là chủ nhân và là người hưởng lợi trực tiếp. Anh Vũ Văn Hữu, chủ nhà nghỉ homestay Hữu Quyên, thôn Nam Đồng, xã Đồng Tiến, cho biết: “Năm 2012, gia đình tôi bắt đầu làm du lịch, với hình thức dịch vụ homestay với hơn 10 phòng nghỉ để phục vụ khách. Ngoài kinh doanh nhà nghỉ, gia đình còn kinh doanh thêm các dịch vụ cho thuê xe máy, xe đạp... Qua một năm, không chỉ thu nhập của gia đình hơn hẳn so với làm nông nghiệp mà mình còn có cơ hội giới thiệu nhiều hơn với bạn bè bốn phương về vẻ đẹp quê hương”.

 

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về du lịch đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng nhằm phát triển ngành “công nghiệp không khói” một cách bền vững như: Bình Liêu, Cô Tô, Đông Triều, Móng Cái, Quảng Yên... Đến nay, nhận thức về du lịch của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan đã được thay đổi theo chiều hướng tích cực. Chỉ nói riêng ở xã Yên Đức, từ khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã. Cũng từ đó, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan làng quê xanh, sạch, đẹp cho đến nỗ lực học tập ngoại ngữ được người dân Yên Đức rất chú trọng. Toàn xã Yên Đức đã có trên 60 người dân trực tiếp tham gia làm du lịch với mức thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi người một cách làm, một cách khai thác thế mạnh của địa phương, song những nông dân chân lấm, tay bùn đều có điểm chung là tinh thần, ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp sức xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh ngày càng phát triển./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục