Hoạt động của ngành

Mèo Vạc xây dựng thương hiệu Lễ hội hoa Đào

Cập nhật: 31/01/2019 08:15:12
Số lần đọc: 1752
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mảnh đất Mèo Vạc thân yêu, nơi địa đầu Tổ quốc lại được choàng lên tấm áo mới nhiều màu sắc của hoa Đào, hoa Mận, hoa Cải, hoa Lê.

Năm nay, tuy thời tiết rét như cắt da, cắt thịt, nhưng bù lại, hoa Đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán, khoe sắc thắm trên lưng đồi, dọc hai bên Quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176 hay tuyến đường đi các xã Cán Chu Phìn, Lũng Pù, Khâu Vai. Đến đâu du khách cũng cảm nhận được màu đỏ, màu hồng của hoa Đào bừng nở giữa bạt ngàn đá núi, như xua đi mùa Đông giá lạnh của vùng Cao nguyên đá, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt vươn lên của người dân nơi đây. Vì vậy, cùng với bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào vùng cao, những năm qua, huyện Mèo Vạc thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trồng Đào cảnh quan tại 18 xã, thị trấn, nhằm tạo khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mộng mơ hơn. Tại thôn Thào Chứ Lủng, xã Tả Lủng, từ năm 2015, huyện Mèo Vạc đã lựa chọn phát động Tết trồng cây hàng năm; trong đó, quy hoạch trồng Đào phục vụ phát triển du lịch; đến nay có hơn 800 cây Đào được trồng, phát triển nhanh và đã đơm hoa, tạo nên khung cảnh rất nên thơ. Vì vậy, nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để Mèo Vạc tiếp tục tổ chức Lễ hội hoa Đào lần thứ 2, năm 2019.

Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Để hoa Đào nở đúng dịp diễn ra Lễ hội, từ tháng 9/2018, huyện Mèo Vạc đã bố trí kinh phí hơn 70 triệu đồng, thuê chuyên gia chăm sóc Đào tại thôn Thào Chứ Lủng, dọc tuyến đường xã Pả Vi và thị trấn Mèo Vạc; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn chăm sóc, quản lý tốt cây Đào, cành Đào… Cùng với đó, huyện tiếp tục tổ chức các hoạt động: Thi chim Họa Mi hót, múa khèn Mông, giao lưu hát đối giao duyên bằng ống tre, thưởng thức thắng cố, rượu ngô và rượu Tam giác mạch trong vườn Đào, cùng nhiều nội dung cho du khách trải nghiệm…”. Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc còn tổ chức một số hoạt động tại Sân vận động huyện, tạo thành chuỗi sự kiện phong phú, đa dạng, tái hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Mông, giúp du khách hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa truyền thống tiêu biểu và phong cảnh thiên nhiên đặc sắc của vùng Cao nguyên đá.

Cùng với tổ chức Lễ hội, huyện sẽ phát động Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi tại khu vực Mê cung đá, xã Khâu Vai. Trong đó, phấn đấu trồng 1 nghìn cây Đào và chỉ đạo các xã, thị trấn đồng loạt triển khai trồng Đào, phục vụ lễ hội vào các năm sau. Như vậy, sẽ tạo được nhiều hình ảnh ấn tượng đối với du khách khi đến Mèo Vạc, không chỉ có hoa Tam giác mạch, hoa Ban, hoa Lê, hoa Cải mà sẽ được thưởng thức hoa Đào đẹp quyến rũ, trải dài trên các tuyến đường, thôn bản. Từ đó, khuyến khích du lịch của huyện phát triển quanh năm, chứ không chỉ dừng lại ở hai tháng mùa hoa Tam giác mạch.

Một mùa Xuân mới đang về, hy vọng với sự quan tâm đầu tư của huyện Mèo Vạc, trong tương lai không xa thương hiệu Lễ hội hoa Đào sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm vùng Cao nguyên đá.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục