Hà Nội: Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch Hương Sơn
Tiềm năng chưa được khai thác tối đa
Quần thể Hương Sơn cách trung tâm Thủ đô khoảng 60km, rộng gần 4.000 ha. Tương truyền, địa danh này là nơi tu hành của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Giữa vùng đất sơn thủy hữu tình, người xưa dựng lên nhiều ngôi chùa, là nơi tu tập của các nhà sư. Những công trình kiến trúc đẹp nhất ở đây được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII và XVIII. Dù sau này, một số bị phá hủy bởi thời gian và chiến tranh, nhưng chùa Hương vẫn giữ được nét đẹp hài hòa, vẻ linh thiêng vốn có. Đó là những dãy núi Chống, núi Chiêng, núi Ba Đài, núi Mâm Xôi, núi Con Gà… đan cài, nối tiếp nhau trùng trùng, điệp điệp; là dòng suối Yến mộng mơ; là 21 điểm chùa, đền, hang động mang đậm nét văn hóa Phật giáo…
Sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo đã làm nên nét đặc thù của quần thể Hương Sơn nói chung, lễ hội chùa Hương nói riêng. Trong những năm gần đây, mỗi năm, khu di tích Hương Sơn đón 1,4-1,5 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái, thu về hàng chục tỷ đồng. Trong chuyến tham quan chùa Hương trước mùa lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019, chị Nguyễn Hồng Anh, đến từ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Lần đầu tiên vãng cảnh chùa Hương, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh bình, cổ kính, u tịch”. Còn anh Thomas Johnson, quốc tịch Anh thích thú khi ngắm nhìn mái chèo khua nhẹ trên dòng suối Yến...
Quần thể danh thắng Hương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt và là điểm đến quen thuộc của du khách trong nước, quốc tế, nhưng vẫn còn nhiều nét đẹp tiềm ẩn chưa được khai thác hết. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho hay: "Khách tham quan lâu nay vẫn thường đi từ đền Trình, qua suối Yến, vào chùa Thiên Trù, động Hương Tích và kết thúc hành trình. Tuy vậy, ít người biết rằng, trong không gian chùa Hương còn hai tuyến khác, gồm: Tuyến Long Vân - Thanh Sơn và tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn. Tuyến Long Vân - Thanh Sơn có chùa Long Vân ở trên cao, từ đây, khách tham quan sẽ được phóng tầm mắt để ngắm nhìn một vùng non nước bao la. Tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn có chùa Bảo Đài, động Tuyết Sơn, trong đó động Tuyết Sơn là nơi thờ Phật từ cuối thế kỷ XVII. Cảnh đẹp của động Tuyết Sơn được nhiều danh nhân ca ngợi. Người đời thường gọi đây là nơi "kỳ sơn tú thủy". Vấn đề đặt ra là cần những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nhà đầu tư khai thác phát triển du lịch hiệu quả trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị di sản độc đáo.
Quy hoạch gọi vốn đầu tư
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, chiếm khoảng 40% cơ cấu kinh tế của huyện, trong 5 năm vừa qua, UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư gần 400 tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Nhờ đó, các tuyến đường vào chùa Hương đã được cải tạo, nâng cấp. Dòng suối Yến được khơi thông, cùng lúc có thể đáp ứng trên 4.000 đò, xuồng đi lại. Các hạng mục di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp theo quy định. Nhân dân địa phương được phổ biến Luật Di sản văn hóa, Luật Giao thông đường thủy nội địa; được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách ứng xử với du khách… Các doanh nghiệp cũng đã, đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Để thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại khu di tích căn cơ, bài bản, ngày 24-9-2018, UBND huyện Mỹ Đức đã có Văn bản số 1318/TT-UBND, đề xuất chủ trương lập quy hoạch tổng thể bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn. Quy hoạch tổng thể nhằm mục tiêu bảo tồn các yếu tố nguyên gốc cấu thành quần thể di tích cùng với hệ thống hang động, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái; định hướng tổ chức không gian văn hóa tâm linh trong vũng lõi và vùng đệm của di sản. Theo đó, ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích trong khu vực bảo tồn cấp I, cấp II theo Luật Di sản văn hóa sẽ được thiết lập; các khu vực chức năng dành cho hoạt động thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí sẽ hình thành… Trong “Chương trình phát triển du lịch huyện Mỹ Đức giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo”, UBND huyện Mỹ Đức tiếp tục xác định quần thể Hương Sơn là điểm đến trung tâm, xung quanh có nhiều tuyến và sản phẩm du lịch bổ trợ. Đó là điểm du lịch sinh thái An Phú - đầm sen, khu hoa tam giác mạch; hồ Tuy Lai; hồ Quan Sơn - dịch vụ tham quan, chụp ảnh, câu cá, ẩm thực…
Với hướng đi này, huyện Mỹ Đức kỳ vọng sẽ bảo tồn tốt nhất các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời đưa tiềm năng di sản trở thành tài sản. Trong mối liên kết với các địa phương, hiện tuyến du lịch chùa Hương - Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình) cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hướng kết nối phục vụ thuận tiện cho du khách nhất. Nếu có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng du lịch, chắc chắn khu di tích Hương Sơn sẽ còn là điểm đến thu hút nhiều du khách hơn nữa./.