Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam: ''Chuyển đổi số'' là bước đi đột phá
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, chuyển đổi số chính là xu hướng và cần được thay đổi một cách cấp bách.
Nắm bắt được xu hướng tất yếu này trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội nói chung và trong ngành văn hóa, thể thao du lịch nói riêng, nhiều đơn vị thuộc Bộ VHTTDL đã xây dựng, áp dụng thành công các phương thức "số hóa", từ đó tạo tiền đề tiến tới "Chuyển đổi số".
Từ việc khai thác các dữ liệu có được từ quá trình "số hóa", các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi dữ liệu và tạo ra nhiều giá trị mới hơn.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Trong năm 2020, Ban quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL, các cấp, ngành đồng ý cho thí điểm giai đoạn 1 ứng dụng "số hóa" về bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc.
"Số hóa trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội nói chung và văn hóa, du lịch nói riêng trong đó có công tác bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa để phục vụ cho việc phát triển của du lịch là xu hướng tất yếu. Đối với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận thức đây là một hướng đi bắt buộc phải áp dụng, là một hướng đi giúp chúng tôi đi nhanh hơn, đạt hiệu quả cao hơn" - ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ.
Đơn vị tiên phong
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các phương thức "Chuyển đổi số" và chia thành hai giai đoạn. Theo ông Trịnh Ngọc Chung, có ba yếu tố là rào cản lớn nhất khi đơn vị bắt đầu thực hiện giai đoạn 1 bao gồm: Hạn hẹp về mặt tài chính, là đơn vị đi tiên phong và yêu cầu về cơ sở hạ tầng.
Du khách có thể tìm thấy mọi thông tin cần thiết trước khi tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
"Chúng tôi là đơn vị tiên phong nên vừa phải làm và vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cũng là một trong những trở ngại lớn bởi ở khu vực Đồng Mô (Sơn Tây), hệ thống mạng internet của các đơn vị cung cấp chưa đáp ứng đủ yêu cầu nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn" - ông Trịnh Ngọc Chung chia sẻ nhưng khẳng định thêm: đơn vị vẫn đặt ra quyết tâm là dù có những khó khăn nhưng không thể không làm.
Từ những vướng mắc này, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã mời được các đơn vị tư vấn có tâm huyết để giải quyết những khó khăn.
Do nguồn lực con người và cơ sở vật chất của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện chưa đầy đủ. Chính vì vậy, đơn vị đã chia thành nhiều giai đoạn khác nhau để thực hiện. Theo ông Trịnh Ngọc Chung, giai đoạn 1 là làm thí điểm đúc rút kinh nghiệm, những gì hiệu quả sẽ phát huy và mặt hạn chế sẽ khắc phục ở các giai đoạn tiếp sau.
Để đảm bảo yếu tố con người phù hợp với yêu cầu của sự phát triển, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã cử cán bộ, công nhân viên đi đào tạo học tập và học những văn bằng, chứng chỉ cần thiết để khi áp dụng có thể đáp ứng được với yêu cầu thực tế.
Ngoài ra, lực lượng cán bộ, công nhân viên cũng được yêu cầu tự học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Đến thời điểm hiện tại, tất cả nhân sự đều đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Dùng công nghệ kết nối các không gian văn hóa
Được biết, giai đoạn 1, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã áp dụng bản đồ số và đưa vào tích hợp tất cả dữ liệu liên quan đến hoạt động của làng, đặc biệt là trong công tác quản lý vận hành khai thác các hoạt động và đã đạt được hiệu quả rất tốt.
Giờ đây, du khách đã có thể nắm được toàn bộ thông tin về lịch trình, thời gian di chuyển cũng như các hoạt động được tổ chức... trước khi tới thăm quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tất cả những yếu tố trên đều được tích hợp trên cơ sở dữ liệu của bản đồ hướng dẫn và liên tục được cập nhật.
Du khách có thể truy nhập vào website langvanhoa.com.vn để sử dụng tất cả tiện ích của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện có.
"Có thể nói trong giai đoạn 1 chúng tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiểm tra xem hiệu quả đến đâu và đây thực sự là một bước đột phá" - ông Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh.
Theo ông Trịnh Ngọc Chung, trong năm 2021 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với việc nâng cấp tích hợp những ứng dụng những tiến bộ mới. Một trong những ứng dụng đáng chú ý sẽ được áp dụng tới đây là công nghệ VR 360. Công nghệ này sẽ giúp du khách được trải nghiệm một cách kĩ nhất, sâu sắc nhất những giá trị thực của văn hóa đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại đây.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng tiến hành kết nối giữa không gian văn hóa của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và những không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc ở các địa phương khác.
Du khách đến du lịch tại đây không những có thể trải nghiệm được giá trị, không gian văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở Làng, mà còn có thể kết nối với những không gian văn hóa của các dân tộc ở địa phương cách xa tới hàng nghìn km qua ứng dụng trên.
"Chúng tôi xác định việc áp dụng những công nghệ mới trong hoạt động ở Làng không chỉ mang lại hiệu quả phát triển, quản lý, vận hành khai thác hiệu quả hơn mà còn hy vọng rằng đây sẽ là kho dữ liệu dùng chung cho cả ngành văn hóa để chính những dữ liệu này sẽ tái hiện đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam với 54 giá trị văn hóa khác nhau. Tất cả sẽ được bảo tồn trên một nền tảng số hóa. Chúng tôi cũng mong muốn khi thực hiện được số hóa sẽ là dữ liệu tốt việc bảo tồn văn hóa và trong công tác giáo dục cho thế hệ trẻ" - ông Trịnh Ngọc Chung cho hay./.
Bạch Dương