Đồng Tháp: Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Sản phẩm của làng nghề dệt choàng Loang Khánh A (huyện Hồng Ngự)
Yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát ngành nghề nông thôn, nghệ nhân tại địa phương và xây dựng kế hoạch để chỉ đạo thực hiện hàng năm, xác định trọng tâm, trọng điểm và lộ trình triển khai để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn. Đặc biệt là các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, ngành nghề sinh vật cảnh, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn để thu hút nhiều lao động địa phương; Quan tâm đến công tác bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống; Rà soát lại quy hoạch các làng nghề, các vùng nguyên liệu phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với BVMT; Kiểm tra tiến độ di dời các cơ sở sản xuất trong làng nghề ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp làng nghề; Hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường ở nông thôn. Bên cạnh đó, hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; Gắn phát triển làng nghề với kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…
Trần Hương