Hoạt động của ngành

Lào Cai: Điểm đến hấp dẫn nơi biên cương

Cập nhật: 07/11/2024 14:23:12
Số lần đọc: 164
Từ một vùng biên hoang sơ, giờ đây, thành phố Lào Cai trở thành vùng đất du lịch đầy tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn du khách muôn phương bởi những mùa lễ hội rộn ràng, những bản, làng vùng cao bình yên, những điểm đến tâm linh dọc triền sông Hồng…


Thành phố Lào Cai - điểm đến hấp dẫn.

Vùng đất giàu tiềm năng

Thu về, nhuộm vàng những cánh đồng ở Hợp Thành bằng màu no ấm. Trời thu man mát, sắc thu thanh bình như mời gọi người dân, du khách về với bản làng ven đô để tận hưởng nhịp sống chậm.

Một ngày cuối thu, chúng tôi tìm về chợ văn hóa vùng cao Hợp Thành - Tả Phời. Những hình ảnh của phiên chợ với đa dạng mặt hàng nông sản quê, những sắc màu dân tộc thiểu số hiện lên rõ ràng trong trang phục, nét ẩm thực của đồng bào và cả những bản làng, triền lúa đương độ gọi mùa cơm mới…

Nhộn nhịp phiên chợ vùng cao Hợp Thành - Tả Phời.

Cũng như nhiều người muốn được tìm hiểu về đời sống của đồng bào vùng cao, chị Trần Thu Giang, phường Nam Cường cùng gia đình trải nghiệm một ngày ở chợ phiên. Sự nhộn nhịp, nhiều màu sắc đồng bào dân tộc thiểu số giúp chị Giang có cơ hội hiểu hơn về đất và người vùng cao. Ngoài khám phá văn hóa, ẩm thực ở phiên chợ, chị Giang cũng có cơ hội chiêm ngưỡng "bức tranh thiên nhiên" nơi đây và những giây phút sống chậm để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi.

Trải nghiệm đời sống của đồng bào ở phiên chợ vùng cao.

Được thiên nhiên ưu ái, vùng cao Tả Phời, Hợp Thành với những triền núi bao quanh ôm trọn cánh đồng rộng lớn đã trở thành điểm hẹn thú vị mỗi độ lúa chín. Ngoài ra, các địa phương của vùng cao này cho đến nay còn gìn giữ được nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, như suối, thác, đình làng… Cùng với đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số Tày, Giáy, Xa Phó, Dao vẫn lưu giữ những nét văn hóa bản sắc truyền thống... Tất cả đã tạo nên sức hút riêng trong phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Thành phố bên sông vào mùa lễ hội. Ảnh Ngọc Bằng

Cùng với những bản, làng vùng cao, du khách khi đến thành phố Lào Cai còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị. Đó là tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng với 4 điểm du lịch tâm linh được công nhận, gồm: đền Thượng, đền Mẫu (phường Lào Cai); đền Đôi Cô, chùa Cam Lộ (phường Bình Minh); đền Quan, đền Cấm (phường Lào Cai); đền Vạn Hòa, hồ Cửa Nam (xã Vạn Hòa). Mỗi năm, khi mùa xuân đến, hàng nghìn du khách từ khắp nơi hội tụ về đây để được hòa mình vào Lễ hội đền Thượng rộn ràng bậc nhất chốn này. Cùng với đó là biết bao lễ hội trải dài trong năm, ở nhiều địa bàn.

Khai thác các thế mạnh để du lịch bứt phá

Thành phố Lào Cai là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, có cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu đóng vai trò trung tâm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà còn cả các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và miền Tây Nam (Trung Quốc). Năm 2018, thành phố Lào Cai được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Xác định rõ vị trí và các tiềm năng sẵn có, thời gian qua, thành phố nỗ lực khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

Du lịch cộng đồng ở thành phố có nhiều tiềm năng với những bản, làng vùng cao thanh bình, giàu bản sắc. Ảnh Ngọc Bằng

Với tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, thành phố đã hình thành nhiều chương trình du lịch liên kết với các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ); tour du lịch thành phố Lào Cai - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc); hình thành các tour, tuyến du lịch liên kết trong tỉnh, như: tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng kết nối đền Bảo Hà - đền Thượng - Fansipan; tour du lịch kết nối thành phố Lào Cai với các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát.

Hàng nghìn du khách muôn phương về dự Lễ hội đền Thượng năm 2024. Ảnh Ngọc Bằng

Hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch của thành phố được từng bước hoàn thiện với hệ thống đường giao thông thuận lợi, phát triển, đa dạng, bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thủy; có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 70, 4E, 4D chạy qua, nối với các tỉnh bạn và các địa phương trong tỉnh; 100% tuyến đường nội thị được cứng hóa. Toàn thành phố hiện có trên 250 cơ sở lưu trú; hơn 400 cơ sở dịch vụ ăn uống, giải trí; 24 đơn vị kinh doanh lữ hành, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu du lịch của du khách. Đáng mừng khi du lịch đã tạo ra việc làm cho trên 2.000 lao động.

Những lợi thế trên không chỉ góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, mà còn mở ra những cơ hội để thành phố khai thác các loại hình du lịch khác. Một trong số đó là du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp các cuộc gặp, cuộc họp, khen thưởng, hội thảo, hội nghị, sự kiện, triển lãm với du lịch…). Minh chứng là trong nhiều năm trở lại đây, thành phố là địa điểm được lựa chọn để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn, như: Hội chợ thương mại Việt - Trung, Giải đua xe đạp quốc tế “Một đường đua hai quốc gia”, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Ferroli; các sự kiện lớn của tỉnh, thành phố; hội nghị, hội thảo của các ngành, lĩnh vực…

Năm 2023, thành phố vùng biên đón 3,1 triệu lượt du khách; ước thực hiện năm 2024, con số này đạt 3,3 triệu lượt, doanh thu ước đạt 6.800 tỷ đồng.

Thành phố Lào Cai là địa phương giàu bản sắc văn hóa các dân tộc.

Theo bà Vũ Thị Thùy Dung, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Lào Cai, tiềm năng và tài nguyên du lịch văn hóa của thành phố rất đa dạng, bởi sự đa sắc màu văn hóa, dấu ấn vùng miền, lợi thế về vị trí địa lý.

Đề án 03-ĐA/TU của Thành ủy Lào Cai về "Xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố, giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030" xác định: Mục tiêu đến năm 2025, lượng du khách đến thành phố đạt 4,3 triệu lượt người. Định hướng đến năm 2030, thành phố Lào Cai trở thành khu du lịch có hệ thống hạ tầng du lịch hiện đại, các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng. Xây dựng thành công hình ảnh con người Lào Cai “văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương”.

Tăng cường quảng bá hình ảnh thành phố thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Ảnh Ngọc Bằng

Trên cơ sở xác định rõ thế mạnh hiện có và hiện thực hóa mục tiêu đề ra, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để mỗi loại hình du lịch sẽ có cơ hội khai thác hiệu quả và phát triển. Đó là việc đầu tư về cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng; tăng cường quảng bá nét đẹp con người và mảnh đất thành phố Lào Cai đến du khách thông qua việc tổ chức các giải thể thao, hoạt động văn hóa, văn nghệ… Cùng với đó là việc đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Quan điểm của thành phố là phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường, tạo cơ hội về việc làm, thu nhập cho cư dân bản địa.

Để làm được điều đó không chỉ là câu chuyện riêng của ngành văn hóa, của những người làm du lịch, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của chính quyền và người dân để du lịch của vùng biên được khai thác hiệu quả, bền vững.

Quỳnh Trang

Nguồn: Báo Lào Cai - baolaocai.vn - Ngày đăng 07/11/2024

Cùng chuyên mục