Hoạt động của ngành

Lai Châu: Phát triển du lịch cộng đồng ở Pu Sam Cáp

Cập nhật: 07/11/2024 11:16:07
Số lần đọc: 159
Xã Pu Sam Cáp (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) có 4 bản với 293 hộ, 1.652 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 96,4%. Với ưu thế có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển; khí hậu mát mẻ quanh năm và thiên nhiên đẹp với những dãy núi hùng vĩ và nhiều khu ruộng bậc thang uốn quanh sườn đồi. Đây đang là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá thiên nhiên, du lịch sinh thái, chek-in và tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Nằm biệt lập trên núi cao, bà con xã Pu Sam Cáp còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Mông và một số dân tộc cùng chung sống, tạo nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc. Các phong tục, tập quán đặc sắc, từ Lễ hội mừng lúa mới, “Gầu tào” đến tết cổ truyền… đều chứa đựng những giá trị tinh thần và bản sắc riêng có. Phong trào văn hóa, văn nghệ đã giúp những điệu múa, bài dân ca, nhạc cụ truyền thống lưu truyền tự nhiên và cũng là cầu nối văn hóa với du khách. Các nghề thủ công như: dệt thổ cẩm, nấu rượu ngô, rèn nông cụ được truyền nghề qua bao thế hệ giúp địa phương có sản phẩm đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm. Đến Pu Sam Cáp, du khách có dịp khám phá và hòa mình vào đời sống văn hóa bản địa, cảm nhận những nét đẹp trong cảnh sắc.

Nhận thấy lợi thế phát triển du lịch, UBND huyện Sìn Hồ và xã Pu Sam Cáp đã tập trung triển khai các chính sách phát triển du lịch cộng đồng. Theo ông Chang A Đề - Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp, những năm gần đây, huyện xây dựng kế hoạch nâng cấp hạ tầng, đường giao thông, chỉ đạo các ban, ngành liên quan hỗ trợ xã tham gia hoạt động du lịch. Địa phương tận dụng tối đa nguồn lực được hỗ trợ để phát triển, trong đó phát huy vai trò chủ thể của người dân. Những hộ gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ để phát triển mô hình homestay, cung cấp dịch vụ ăn uống, hướng dẫn du lịch.

Phụ nữ bản Hồ Sì Pán (xã Pu Sam Cáp) duy trì nghề thêu thổ cẩm truyền thống.

Hiện, xã Pu Sam Cáp đang chú trọng đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho người dân. Thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, trang bị cho người dân kiến thức về quản lý dịch vụ du lịch, giữ gìn môi trường và ứng xử văn minh trong kinh doanh. Toàn xã có hơn 30 hộ tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch.

Anh Mùa A Chinh ở bản Hồ Sì Pán chia sẻ: Những năm gần đây, tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về phát triển du lịch cộng đồng. Riêng từ đầu năm đến nay đã được tham gia 2 lớp tập huấn. Nhờ đó, tôi và dân bản biết tổ chức các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán các mặt hàng lưu niệm... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng, chú trọng bảo vệ môi trường để thu hút du khách”.

Những nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng tại Pu Sam Cáp bước đầu có kết quả khả quan. Lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tăng qua từng năm. 10 tháng năm 2024, toàn xã đón hơn 350 lượt du khách, trong đó có 95 lượt du khách ngoài tỉnh. Tuy lượng khách chưa quá nhiều, nhưng đây cũng là tín hiệu vui đối với phát triển du lịch ở xã vùng cao Pu Sam Cáp. Mô hình homestay, phục vụ ăn uống, tham quan… không chỉ tạo điều kiện cho các gia đình có thêm thu nhập còn kéo theo các ngành nghề phụ trợ như: trồng trọt, chăn nuôi và nghề thủ công được duy trì.

Chị Giàng Thị Pà ở bản Hồ Sì Pán tâm sự: “Từ khi tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng, gia đình tôi có thêm thu nhập ổn định từ dịch vụ lưu trú và bán sản phẩm thổ cẩm, rượu ngô - đặc sản địa phương. Khách du lịch rất ưa chuộng, mua về làm quà và thích thú khi có trải nghiệm cuộc sống bản làng”.

Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng tại Pu Sam Cáp vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Hệ thống giao thông đến các điểm du lịch còn hạn chế; chưa phong phú hình thức quảng bá hình ảnh của xã trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là nền tảng số, dẫn đến chưa lan tỏa đến nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Xác định rõ điều đó, xã đang triển khai các biện pháp cải thiện hạ tầng giao thông; phối hợp với các doanh nghiệp du lịch và cơ quan truyền thông xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh của địa phương. Đẩy mạnh số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thu hút thêm nhiều du khách, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch của Lai Châu.

Mạnh Hùng

 

Nguồn: Báo Lai Châu - baolaichau.vn - Đăng ngày 06/12/2024

Cùng chuyên mục