Lễ hội xuống đồng, mong mùa bội thu tại Triệu Phong - Quảng Trị
Phần nghi thức lễ cúng xuống đồng do các bậc cao niên trong làng đảm nhận - Ảnh: K.S
Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, vào năm 1558, chúa Nguyễn Hoàng vào Nam khai hoang lập nghiệp, đóng đô ở dinh Ái Tử, mở rộng vùng đất khai hoang lập làng quanh dinh, trong đó có Nại Cửu. Để khuyến khích Nhân dân phát triển nông nghiệp, chúa Nguyễn Hoàng cho lập đàn Xã Tắc ở vùng Phát Lát của làng Nại Cửu để tế cúng thần đất (Xã) và thần ngũ cốc (Tắc). Mục đích lập đàn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, chăn nuôi phát triển, người người khỏe mạnh.
Đàn Xã Tắc ngày xưa được xây dựng với quy mô tương đối lớn và lộ thiên, gồm kết cấu 3 tầng. Phía dưới cùng là bờ thành hình vuông, tiếp theo là bờ thành hình tròn, tầng trên cùng là bờ thành hình tròn đặt lư nhang thờ vọng. Qua nhiều đời, do tác động của thiên nhiên, biến cố chiến tranh, đền Xã Tắc bị xuống cấp, phá hủy. Sau giải phóng, vùng đất này còn nhiều mồ mả, hoang hóa. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, trong công cuộc cải tạo đồng ruộng, cất bốc mồ mả, người dân làng Nại Cửu đã di dời và xây dựng lại đền Xã Tắc ở vị trí thuận lợi hơn, cách địa điểm cũ khoảng 50 m. Từ đó đến nay, nơi đây được người dân làng Nại Cửu trùng tu, bảo tồn để tổ chức lễ cúng xuống đồng hằng năm.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, người dân Nại Cửu vẫn giữ nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo này. Hằng năm vào tiết đông chí, họ cùng nhau sắm sửa lễ vật, áo mũ chỉnh tề để làm lễ cúng xuống đồng, một lễ tế không thể thiếu khi bắt đầu mùa vụ mới. Bài văn tế lễ được nhiều đời dân làng Nại Cửu truyền lại cho con cháu tuy có rút gọn, cải biên nhưng nội dung và ý nghĩa văn tế vẫn không thay đổi. Lễ hội xuống đồng có trống, chiêng, cờ hội. Trên bàn lễ gồm có 5 lư nhang cúng ngũ phương. Mâm trên cùng là đầu heo, mâm thứ là 2 xôi, thịt, mâm thứ 3 gồm giấy áo, cháo, gạo, muối, hạt nổ ngũ sắc, hoa quả. Ông Hoàng Bút, một bậc cao niên làng Nại Cửu cho biết: “Lễ hội này được dân làng chúng tôi duy trì từ lâu đời. Ngày xưa khi chúa Nguyễn Hoàng lập đàn Xã Tắc, lễ hội mang tầm quốc gia. Sau này, dù nhiều người vẫn gọi tên là lễ hội Xã Tắc nhưng kỳ thực chỉ mang tính chất, quy mô địa phương, là nét văn hóa truyền thống đặc trưng riêng của làng. Đặc biệt sau mỗi đợt thiên tai, lũ lụt, dân làng ước nguyện một năm đầy may mắn, sản xuất mới có nhiều thắng lợi hơn nên chọn ngày tốt để tổ chức lễ cúng tế”.
Sau phần lễ, dân làng Nại Cửu huy động tất cả máy móc xuống đồng cày ải, bắt đầu vụ mới - Ảnh: K.S
Trước đây, sau phần lễ, dân làng lại dắt trâu, vác cày bắt đầu xuống ruộng thực hiện những luống cày đầu tiên. Ngày nay, nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên máy móc thay cho trâu cày. Sau phần lễ, dân làng đã huy động tất cả máy móc xuống đồng cày ải, bắt đầu vụ mới. Cũng nhờ hiện đại hóa trong nông nghiệp đã góp phần giải phóng sức lao động cho người dân và tăng hiệu quả, năng suất công việc đồng áng. Sau những trận lũ lụt trong tháng 10 vừa qua, cũng như nhiều địa phương khác, Nhân dân làng Nại Cửu bắt đầu vụ sản xuất mới với nhiều khó khăn. Hệ thống kênh mương thủy lợi, đường nội đồng bị hư hỏng nặng; ruộng đất bị cát bồi lấp, giống lúa bị ướt, gia súc gia cầm bị lũ cuốn trôi. Vượt lên tất cả những khó khăn đó, trước khi xuống vụ, người dân trong làng ra quân vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất đai, tu sửa lại kênh mương, chọn ngày đẹp để làm lễ xuống đồng và tin tưởng vào một năm mới sản xuất, chăn nuôi thắng lợi. Trong vụ mùa đông xuân năm 2020, làng Nại Cửu đưa vào gieo cấy trên diện tích 126 ha, cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như HN6, Thiên ưu 8, Nghệ An 2. Ông Trần Nhân Sinh, người dân làng Nại Cửu, chia sẻ: “Ngày xưa mỗi lần tổ chức lễ hội xuống đồng, dân làng nô nức lắm. Người dắt trâu, người vác cày đến dự lễ hội, ai cũng thành tâm mong muốn có một vụ mùa bội thu. Ngày nay, do tác động của kinh tế thị trường, sản xuất nông nghiệp có máy móc cơ giới hóa, con em trẻ tuổi trong làng học tập, lao động bằng những nghề khác nên lễ hội xuống đồng không còn rầm rộ như trước. Nhưng trong tâm thức của người dân làng Nại Cửu vẫn có một niềm tin đối với lễ hội xuống đồng. Hằng năm chúng tôi vẫn chuẩn bị lễ vật chu đáo, chọn ngày tốt để tế lễ. Chúng tôi mong muốn, lễ hội xuống đồng và những lễ hội truyền thống khác của làng tiếp tục được quan tâm duy trì, bảo tồn mãi với thời gian”.
Lễ hội xuống đồng là một nghi thức truyền thống không thể thiếu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân làng Nại Cửu. Ngày nay, lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn cổ vũ, động viên người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.
Kô Kăn Sương