Hành trang lữ khách

Lộng lẫy Phú Nhai, Tiểu Vương cung Thánh đường lớn nhất Đông Nam Á

Cập nhật: 05/08/2021 10:26:31
Số lần đọc: 1512
Trên thế giới hiện có 4 Đại Vương cung Thánh đường và 1.575 Tiểu Vương cung Thánh đường là các cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng giáo dân thuộc các giáo phận Công giáo. Việt Nam có 4 ngôi nhà thờ được vinh danh công nhận danh hiệu Tiểu vương cung thánh đường. Trong đó, Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai tọa lạc tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có diện tích rộng nhất, tráng lệ nhất.



Toàn cảnh Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai. Ảnh: TTH

Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai nguyên gốc là Đền Thánh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Phú Nhai và thường được gọi với cái tên giản dị là Nhà thờ Phú Nhai hiện ở xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Thuộc giáo phận Bùi Chu có lịch sử lâu đời nhưng nhà thờ Phú Nhai không phải là một nhà thờ chính tòa. Điều khiến ngôi nhà thờ này nổi tiếng nằm ở lịch sử hình thành và sức ảnh hưởng tới giáo phận cũng như cộng đồng tôn giáo bằng những trang biến thiên, thăng trầm của sự phát triển, thực hành tôn giáo trên mảnh đất đồng bằng phù sa cổ ven biển trải dài qua Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.

Được xây dựng lần đầu năm 1881, nhà thờ Phú Nhai trải qua 3 lần xây cất lại; 2 lần sau đó khánh thành vào năm 1923 và 1933. Đặc biệt là vào năm 1923, khi nhà thờ được xây dựng lại trở thành Đền Thánh Phú Nhai thì đây đã là cơ sở Công giáo lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Gần đây nhất, năm 1990, nhà thờ Phú Nhai được tu bổ lại, sơn phết màu xanh nhạt, tráng lệ như một tòa lâu đài Thánh.

Xuất hiện rất sớm chỉ 10 năm sau khi thành lập giáo phận Bùi Chu và trải qua chừng đó năm thăng trầm cùng lịch sử Công giáo Việt Nam, nhà thờ Phú Nhai hoàn toàn xứng đáng đứng trong hàng ngũ những Tiểu Vương cung Thánh đường trên thế giới và có phần bề thế, uy nghi hơn rất nhiều các nhà thờ khác.

Việc chọn vị trí xây dựng ngôi nhà thờ từng được tính toán sao cho từ nóc nhà thờ, toàn bộ làng Phú Nhai ở trong chu vi hình tròn, tỏa rộng ra ngoài là cánh đồng lúa xen kẽ với các khu dân cư. Dòng sông chảy ngang trước mặt nhà thờ và bao trọn lấy khu dân cư. Tất cả như một vòng tròn đồng tâm và ở giữa là tháp chuông nhà thờ uy nghi. Làng Phú Nhai cũng tồn tại một công trình là cổng làng cổ kính, thể hiện tập quán cư trú, nếp sống làng xã lâu đời của cộng đồng dân cư nơi đây.

Do lịch sử hình thành, vùng Trà Lũ hiện nay là các xã Xuân Bắc, Xuân Phương, Xuân Trung hiện vẫn duy trì các lễ hội văn hóa như hội hát chèo, hội vật dân tộc, bơi chải… tái hiện lịch sử khai hoang, lấn biển lập làng. 2 tôn giáo Phật giáo và Thiên Chúa giáo đồng hành cùng người dân, giao thoa và cùng bản địa hóa với đời sống. Thánh đường Phú Nhai không chỉ là một cơ sở thực hành tôn giáo, đó là biểu tượng của đời sống tinh thần phong phú, khao khát hòa bình, mong muốn ổn cư yên ấm với nếp sống hòa hợp tự nhiên của người dân vùng đồng bằng ven biển xứ này.

Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai tuy không phải là địa điểm du lịch nhưng thường có rất nhiều khách du lịch ghé đến chiêm ngưỡng kiến trúc đặc sắc này. Nghệ thuật xây dựng và kiến trúc của công trình hiện vẫn là mục tiêu nghiên cứu của các kiến trúc sư và nhà nghiên cứu văn hóa.

Ban đầu, nhà thờ có kiến trúc Á Đông và từng bị cơn bão biển tàn phá năm 1929, qua nhiều lần tu sửa công trình này cho đến nay đậm chất Công giáo Roma và được Tòa Thánh Vatican kí sắc lệnh vinh danh danh hiệu Tiểu Vương cung Thánh đường năm 2008. Danh hiệu này cũng khiến cho nhà thờ Phú Nhai thay đổi lại cơ cấu điều hành và các kỳ thánh lễ tại giáo đường cũng được tổ chức theo một nghi thức riêng dành cho các Tiểu Vương cung Thánh đường.

Các giáo dân có thể tận mắt nhìn thấy các vật dụng quý giá, riêng có của Tiểu Vương cung Thánh đường chỉ xuất hiện khi làm lễ tại nhà thờ. Trang phục, lọng che, bàn thờ Thánh và nhiều chi tiết bài trí trong nhà thờ được chế tác riêng, thể hiện sự sang trọng, đẳng cấp tạo cho không gian giáo đường phía trong nhà thờ một vẻ lộng lẫy, hào nhoáng đến mức choáng ngợp. Một số vật dụng và tượng còn là báu vật riêng làm bằng vật liệu quý được các cha xứ mang từ châu Âu sang từ các thời kỳ trước được cộng đồng giáo dân lưu giữ đến ngày nay.

Xung quanh khuôn viên nhà thờ rộng hơn 2 ngàn mét vuông là vườn Thánh với cây lá thường xuyên được chăm sóc cắt tỉa rất kỹ lưỡng. Lối đi thênh thang thoáng rộng dẫn vào quảng trường và cửa chính giáo đường. Bên phải là Tượng Thánh Đa Minh (tên vị Thánh Tây Ban Nha Santo Domingo đã được Việt hóa) cao 17m có kèm theo con chó nhỏ dưới chân.

Vị Thánh Công giáo này được thờ tự tại Việt Nam vì sáng lập ra dòng truyền giáo Dominico từ thế kỷ XII cũng là dòng truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam. Điều này cũng lý giải các nhà thờ ở khu vực này bao gồm cả nhà thờ Phú Nhai đều đậm nét và hình dáng của kiến trúc gothic Tây Ban Nha truyền lại từ trung cổ.

Bên trái vườn Thánh là Đài tưởng niệm 83 người tử đạo của giáo xứ Phú Nhai. Xung quanh nhà thờ có 14 tổ hợp tượng và phù điêu thể hiện 14 đàng Thánh giá. Bên dưới 2 tháp chuông uy nghi là tượng Đức Mẹ cùng các vị Thánh mà người theo đạo Thiên chúa giáo rất thờ kính. Bên trong tháp chuông là các quả chuông lớn mang từ Pháp sang và có những quả chuông mỗi năm chỉ được rung một lần vào dịp Lễ Giáng sinh.

Đây là nét riêng của các Tiểu Vương cung Thánh đường. Tương tự như tiếng chuông cung sol vang xa 10 cây số vuông của Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (cũng là một nhà thờ được vinh danh Tiểu Vương cung Thánh đường) mỗi năm chỉ được vang lên vào thời khắc giáng sinh.

Điều hấp dẫn của Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai là ngoài vẻ đẹp kiến trúc lộng lẫy, đây còn là nơi mà giới nghiên cứu văn hóa tìm đến đào sâu tìm hiểu tinh hoa văn hóa Công giáo một cách đầy đủ nhất. Sự tác động của tôn giáo đến đời sống giáo dân và không gian sống an lành, hòa hảo được gìn giữ, vun đắp tại đây thể hiện rất rõ cũng như sự nâng niu, yêu kính của người dân dành cho ngôi nhà thờ đặc biệt này.

Thúy Hằng

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục