Bắc Kạn: Lướt nhẹ trên Ba Bể
Nhờ tìm hiểu từ trước nên chúng tôi đến bản Bó Lù, vào thẳng khu homestay của một gia đình người Tày để dừng chân. Cô con gái chủ nhà học ngành du lịch ở Thủ đô, sau khi tốt nghiệp trở về quê hương và hiện khởi nghiệp trên chính ngôi nhà mình sinh ra và lớn lên. Ngôi nhà sàn bằng gỗ được cải tạo để đón khách, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, phòng nào cũng có “view” hướng ra hồ nước mênh mông bên thảm cỏ xanh mượt. Giữa tháng 7 mà không hề oi nóng nhờ những luồng gió mát thổi về từ phía hồ.
Sáu giờ sáng hôm sau, sự háo hức mong chờ chuyến đi thuyền khám phá lòng hồ khiến cả nhóm dậy sớm mà chẳng cần đặt đồng hồ báo thức. Chúng tôi lên thuyền của ông Tuấn, một nông dân kiêm lái thuyền chở khách du lịch của bản. Thuyền nhẹ nhàng rẽ sóng tiến vào hồ, bên bờ là những nếp nhà sàn của người Tày ẩn hiện dưới mầu xanh ngắt rừng cây. Tinh mơ, sương mù bảng lảng trên mặt nước, vương vấn trên những tán cây, thật xứng với cụm từ “bồng lai tiên cảnh”. Có những đoạn mà thuyền chúng tôi chỉ như một dấu chấm nhỏ giữa mặt nước rộng hàng cây số của mẹ thiên nhiên. Tôi chợt nhớ đến mấy câu thơ của cố nhà thơ Hoàng Trung Thông viết khi đến đây: “Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba Bể/ Trên cả mây trời, trên núi xanh/ Mây trắng bồng bềnh trôi lặng lẽ/ Mái chèo khua bóng núi rung rinh”. Vài câu thơ đã đủ miêu tả cảnh đẹp của hồ, tựa như một tấm gương khổng lồ phản chiếu trời mây, núi non, bao la, phóng khoáng.
Ông Tuấn cho biết, hồ được tạo thành bởi ba nhánh sông lớn, diện tích khoảng 650 ha, độ sâu trung bình từ 15 đến 20 m. Với đặc điểm như vậy, không ngạc nhiên khi hồ thật phong phú nhiều loại cá, tôm. Khi dừng chân ở bản Hua Tạng để ăn trưa, chúng tôi không thể bỏ qua món cá, tôm nướng đặc sản. Nạp “năng lượng” xong, chúng tôi tiếp tục hành trình ghé qua động Puông, thác Đầu Đẳng, đền An Mã, ao Tiên… Dù chuyến đi không dài nhưng vẻ non xanh của trời nước Ba Bể hôm ấy đã làm tươi mới tâm hồn của những lữ khách chúng tôi.
Bài và ảnh Mỹ Hạnh