Lục Ngạn (Bắc Giang) - tiềm năng du lịch sinh thái, tâm linh
Vẻ đẹp trữ tình của hồ Cấm Sơn vào mùa thu.
Mỗi làng bản, ngọn núi, hay một thung lũng mờ sương, những sườn đèo hoa dại nở, con đường trùng điệp cây xanh, đền chùa trầm mặc hay các ngôi làng tiện nghi, ngăn nắp như ngoài phố… trên địa bàn huyện đều là nơi du khách có thể đến thăm và lưu lại. Du lịch kiểu miệt vườn cũng đã hình thành và khởi sắc mấy năm nay.
Qua thực tế điền dã và tìm hiểu, tôi thấy có những “vệt” thăm thú rất hợp lý, thu hút, phù hợp với những nhóm khách ít người. Mùa vải, du khách đi sớm, từ TP Bắc Giang lên Chũ, vào thăm hồ Cấm Sơn. Hồ đẹp nhất vào lúc bình minh và hoàng hôn. Nước hồ xanh biếc, liu riu sóng, trải dài mênh mang tầm mắt. Những hòn đảo nhỏ, rặng cây thẳng tắp bỗng xuất hiện giữa lòng hồ cho người ta cảm giác mới mẻ. Núi in xuống mặt hồ xanh biếc. Mùa thu Cấm Sơn đẹp trữ tình hơn. Hoa của cây rừng tự nhiên ven hồ nở vàng rực. Nước hồ nhuộm ráng hoàng hôn đẹp lộng lẫy.
Còn lúc bình minh, du khách được thấy mây tan dần, loang trên mặt hồ. Đây đó chiếc thuyền mưu sinh gỡ tôm, gỡ cá trên mặt hồ. Lưng áo ai màu đỏ thấp thoáng trên mặt nước như một đóa hoa trôi. Đi vào mùa vải - mùa hè, nước hồ đầy hơn, gió nhiều hơn và cây cối xanh hơn. Trời nắng, lòng hồ như sâu hơn, mây in bóng thăm thẳm. Du khách thuê thuyền máy mất chừng 500 - 800 nghìn đồng là có thể ngồi thuyền khỏa tay xuống nước hưởng cái mát lịm giữa ngày nóng bức.
Có nhiều đường để đến được hồ Cấm Sơn, thuận lợi hơn cả là đi từ thị trấn Chũ, ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến Tân Sơn đi men các sườn núi vào Cấm Sơn. Đi qua đèo Váng thú vị hơn bởi những sườn đồi lau nở trắng. Thăm hồ, du khách có thể ghé thuyền vào bản Đồng Mậm (xã Sơn Hải) nằm giữa lòng hồ. Buổi trưa, khách dùng bữa với các đặc sản vùng hồ tại một hòn đảo, nơi đây có dịch vụ ăn uống, mọi người có thể nghỉ trưa trên võng mắc ở gốc cây ven hồ.
Buổi chiều, khách rời hồ lên xe ngược ra đèo Váng vào thăm vườn vải thiều của người dân xã Hộ Đáp. Ở đây có một địa chỉ khách Hà Nội rất ưa thích. Đó là vườn vải thiều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình anh Lường Văn Tài - chị Chu Thị Cứu, người Nùng ở thôn Na Hem, xã Hộ Đáp. Vợ chồng anh Tài có tiếng mến khách. Nếu du khách ăn cơm, gia đình có người nấu chiêu đãi gà nhà, cá suối… Phí thăm vườn rẻ đến bất ngờ, một vài trăm tùy theo ý khách.
Hết ngày, du khách có thể về Bắc Giang hay Hà Nội. Nếu ở lại thì nghỉ đêm ở thị trấn Chũ, tận hưởng không khí thị trấn cửa rừng. Mùa vải, Chũ thức trắng. Sớm hôm sau, khách có thể tản bộ thăm đền Khánh Vân bên bờ sông Lục Nam (còn gọi sông Chũ). Sau đó, khách lên đường thăm hồ Khuôn Thần cách thị trấn Chũ chừng 10 km.
Hồ Khuôn Thần thuộc xã Kiên Lao, cách TP Bắc Giang khoảng 50 km và cách Hà Nội khoảng 100 km. Với diện tích 240 ha, hồ được bao bọc bởi 800 ha rừng xanh tốt bốn mùa. Giữa lòng hồ là 5 đảo nhỏ trồng toàn thông nhiều năm tuổi vi vút gió. Mùa hè, sim chín hàng vạt lớn ven hồ.
Mùa thu bức tranh ven hồ đa sắc màu hơn. Thi thoảng có khoảnh rừng lá đỏ xen lẫn đồng cỏ vàng xào xạc. Buổi sáng ở hồ thanh tĩnh và tinh khiết. Nếu khách muốn nghỉ lại sẽ có các khách sạn gia đình cách hồ không xa, giá cả phải chăng. Khách có thể ăn cơm trưa tại hồ, hoặc vào nhà dân ở gần đó đặt ăn. Rời hồ, du khách quay ra Chũ, rồi qua cầu đi Nam Dương lên thăm chùa Am Vãi.
Đường lên chùa uốn lượn theo triền núi, thơ mộng, hữu tình. Những hàng bạch đàn bên đường thẳng tắp. Thung lũng phảng phất khói chiều. Nắng như một thảm thạch 3D sâu hút lung linh. Theo Đại Nam nhất thống chí, chùa Am Vãi (tên chữ là Am ni tự) được xây dựng từ thời Lý và nằm trong hệ thống các chùa tháp được xây dựng thời Trần dọc theo sườn Tây Yên Tử.
Xưa kia, chùa được xây dựng bề thế, nay dấu tích còn lại là hai ngôi tháp cổ, là tảng đá in dấu chân Đức Phật. Nhân dân đã phục dựng lại một tòa tam bảo trên nền đất cũ. Giếng cổ có tên giếng Ngọc quanh năm đầy nước. Tương truyền uống nước giếng sẽ được may mắn, hạnh phúc, rửa trôi mọi ưu phiền. Hội chùa tổ chức vào ngày 23/3 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo phật tử và người dân khắp nơi.
Đứng trên tháp chuông, trời trong, du khách có thể nhìn thấy chùa Đồng trên đỉnh núi thiêng Yên Tử và nhẩm đọc “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông khắc trên thân chuông sẽ thấy lòng nhẹ tựa gió mây: “ Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền” (Điều Ngự Giác Hoàng). Thăm Am Vãi xong cũng là kết thúc tour, du khách từ Nam Dương theo đường mới mở để sang đường 293 xuôi về TP Bắc Giang, Hà Nội.
Có một tour khác đem lại sự trải nghiệm về sinh thái - tâm linh, khám phá nhà vườn, quang cảnh nông thôn mới đó là đi xã Quý Sơn - đền Khánh Vân - xã nông thôn kiểu mẫu Hồng Giang - thăm đền Hả (Hồng Giang) - về Chũ qua sông sang thăm xã Tân Mộc - quê hương của anh hùng lao động trồng đậu tương Lý Lỏi Sáng, thăm xã Mỹ An, viếng đền Tam Giang và đền Ngọc Nương.
Chi tiết hai tour đi như vậy, còn thực tế, bản làng nào ở Lục Ngạn cũng có thể trở thành nơi tham quan. Toàn huyện có 41 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia, 39 di tich cấp tỉnh). Hiện địa phương đang thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch. Thiết nghĩ, để thu hút du khách đến vùng đất này nhiều hơn, rất cần chú trọng và hỗ trợ nhân dân phát triển “du lịch sinh thái cộng đồng”.
Thay vì đầu tư lớn, hãy có chính sách hỗ trợ người dân tạo ra những “homestay” chất lượng cao để du khách được trải nghiệm thực tế và hưởng thụ văn hóa bản địa. Nếu chính quyền cùng người dân làm du lịch kiểu này, khâu dịch vụ đi kèm (chỗ ăn, nghỉ, dịch vụ bán hàng, đồ lưu niệm) tốt sẽ có nguồn thu không hề nhỏ./.