Mô hình đô thị Thừa Thiên-Huế: Phát triển tiếp nối, hài hòa, cân bằng
Một góc đô thị Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong
Quyết sách quan trọng để đưa Thừa Thiên-Huế phát triển
Thừa Thiên-Huế từng là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất trong suốt chiều dài 143 năm (1802-1945), nơi có nhiều di sản của thế giới, thành phố Festival của Việt Nam. Thừa Thiên-Huế đang bảo vệ, giữ gìn quần thể di tích, di sản có quy mô lớn nhất, mang tính chất toàn vẹn, điển hình nhất của cả nước với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử đặc thù của cả nước.
Trải qua các giai đoạn phát triển, đến nay, đô thị Huế đã hình thành không gian riêng với khu vực phía bắc sông Hương, lấy kinh thành Huế làm trung tâm và các khu vực phụ cận đi kèm để tiếp tục bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa của nhân loại (các công trình văn hóa di sản trải đều từ phá Tam Giang, Cầu Hai, núi Bạch Mã đến Hải Vân Quan).
Khu vực phía nam là đô thị xanh, hiện đại, làm trung tâm hành chính, kinh tế, dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng, đầu mối giao thương quốc tế của khu vực Duyên hải miền Trung, hành lang kinh tế Đông-Tây.
Với vai trò và vị trí đặc biệt, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn phấn đấu quyết tâm xây dựng Thừa Thiên-Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đô thị Huế còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên.
Trong quá trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 về việc xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 48, tỉnh vẫn chưa thể hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương do chưa có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp đối với Thừa Thiên-Huế.
Với cách tiếp cận, nhìn nhận và quan điểm mới để phát triển Thừa Thiên-Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một thành phố có đặc thù về di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 54) với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Triển khai Nghị quyết 54, Chính phủ ban hành Chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện; xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên-Huế.
Đây là quyết sách, công cụ quan trọng nhất để xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô dân số, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người… trong đánh giá phân loại đô thị và phân loại các đơn vị hành chính đô thị; một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên-Huế để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế khác so với quy định của luật hiện hành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; phù hợp với quy mô kinh tế-xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội-văn hóa, mô hình đô thị đối với Thừa Thiên-Huế là cần thiết để tạo điều kiện cho tỉnh có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, giữ gìn và phát huy gia trị di sản văn hóa.
Đô thị Huế là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Thế Phong
Phát triển tiếp nối, hài hòa và cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trên cơ sở đặc thù về lịch sử, văn hóa di sản, mô hình thành phố trực thuộc Trung ương Thừa Thiên-Huế được đề xuất có nét riêng biệt trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Với định hướng phát triển đô thị di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường thì sự phát triển đô thị Huế phải là sự phát triển tiếp nối, bảo đảm hài hòa và cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, bảo tồn và phát triển, truyền thống và hiện đại, nông thôn và thành thị… Theo đó, mức độ đô thị hóa là một vấn đề cần cân nhắc trong quá trình phát triển.
Trải qua hàng trăm năm phát triển, Thừa Thiên-Huế đã tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa Huế, đặc sắc về tinh thần, đa dạng về loại hình, phong phú và độc đáo về nội dung và gắn bó với môi trường sống mà con người là chủ nhân, được làm giàu bởi các dòng văn hóa đô thị, văn hóa làng, văn hóa cung đình, văn hóa dân gian.
Tiếp nối truyền thống đó, Thừa Thiên-Huế được định hướng theo mô hình tập hợp các đô thị. Mô hình này được cấu thành bởi đô thị trung tâm Huế (đô thị di sản văn hóa) và các đô thị văn hóa, sinh thái cảnh quan. Thành phố Thừa Thiên-Huế sẽ được hình thành bởi nhiều đô thị quy mô nhỏ và vừa. Chuyển tiếp giữa các đô thị này là khu vực làng xóm và các vùng bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.
Về phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa tại Thừa Thiên-Huế là quá trình hiện đại hóa song hành với việc bảo tồn những di sản vật thể và phi vật thể, quá trình hình thành đô thị hạt nhân với các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận đi kèm. Trong đó thành phố Huế vẫn sẽ là thành phố di sản, sẽ được bảo tồn và phát triển trong giới hạn ít biến đổi so với hiện nay. Các thay đổi lớn sẽ được chuyển sang đô thị vệ tinh và vùng phụ cận.
Xác định đô thị Huế là đô thị vùng lõi, với các chức năng vốn có của trung tâm dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, hành chính, văn hóa-lễ hội…. của đô thị hiện đại; đồng thời phát huy các chức năng dịch vụ trên nền tảng di sản. Các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền là địa bàn phát triển kinh tế các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp góp phần tạo lực cân bằng phát triển cho toàn đô thị Thừa Thiên-Huế.
Do vậy, xét trên cơ sở thực tiễn và đặc trưng của di sản cố đô và văn hóa Huế, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên-huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” đề xuất cho phép thí điểm mô hình đô thị đặc thù đối với Thừa Thiên Huế - đô thị loại I trực thuộc Trung ương gồm 9 đơn vị hành chính, cụ thể: Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và 5 huyện (không có quận).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giúp tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2025 Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
Thế Phong