Non nước Việt Nam

Món ăn ngày Tết của ngưới Giáy

Cập nhật: 20/02/2020 10:01:15
Số lần đọc: 1236
Người Giáy cư trú nhiều ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái… Hàng năm, bà con dân tộc Giáy có nhiều lễ tết, mỗi lễ tết lại có những phong tục và ẩm thực độc đáo. Trong đó, Tết Nguyên đán được người Giáy gọi là “Xiêng láo”, nghĩa là tết to, tết cả. Trong những ngày Tết này, các món bánh gù, bánh khảo, bánh bỏng, xôi tím, hay khâu nhục… là không thể thiếu.

Bà con người Giáy quan niệm, các loại bánh gù, bánh khảo, bánh bỏng, xôi tím… dâng lên tổ tiên trong ngày Tết là để báo cáo thành quả lao động trong một năm qua, đồng thời cầu xin tổ tiên ban cho sức khỏe, sự may mắn, có một vụ mùa bội thu. Vì thế, các công đoạn chuẩn bị làm các món bánh cúng tổ tiên được bà con chuẩn bị rất kỹ càng và cẩn thận.

Đơn cử như để chuẩn bị cho Tết Xiêng láo, các gia đình người Giáy ở Lào Cai đều gói bánh gù. Khác với chiếc bánh chưng vuông vắn của người Kinh, bánh chưng của đồng bào Giáy có 2 đầu thon, phần giữa bánh phình to, nên bánh còn có tên gọi là bánh gù, hay bánh chưng gù. Để làm được bánh khá kỳ công, nguyên liệu phải được chọn lựa kỹ càng. Gạo nếp nương phải là thứ nếp thơm ngon đều hạt do bà con tự cấy, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ. Lá dong bánh tẻ được lấy ở trên rừng, khổ lá vừa phải. Phần quan trọng không thể thiếu là lựa chọn thịt lợn, phải là thịt ba chỉ thái mỏng, ướp với gia vị và thảo quả nướng.

Bánh gói xong sẽ được xếp vào nồi ngâm khoảng 3-4 tiếng rồi mới luộc. Bánh được luộc trong khoảng 10 tiếng. Khi bánh chín, những chiếc bánh đầu tiên vớt ra được đem bày lên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thổ công trước.

Bên cạnh đó, trong mâm cỗ Tết của người Giáy không thể thiếu món bánh bỏng thơm ngon. Nguyên liệu chính để làm món bánh này có gạo, đường… Gạo để làm bánh bỏng được lựa chọn rất kỹ, phải là hạt gạo tròn, đều hạt thì bánh mới ngon, mới đẹp. Theo đó, gạo đồ thành xôi, chín tới rồi rắc bột vào cho các hạt gạo không dính vào nhau. Sau đó người ta ép nhẹ cho hạt gạo mỏng dẹt rồi phơi khô để hạt không bị mốc. Gần đến ngày làm cỗ thì rang lên rồi trộn với đường phên. Gạo rang sau khi trộn đường được đơm vào một bát to để làm khuôn, đắp lên thành chóp cao để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Chiếc bánh bỏng thơm hương nếp, ngọt ngào vị đường phên làm từ mật mía, thơm nồng hương nước cốt gừng, mang những hương vị đặc biệt mà không vùng quê nào có được.

Bên cạnh đó, người Giáy còn làm món bánh khảo. Đến với các bản làng người Giáy vào những ngày 26, 27 tháng Chạp có thể dễ dàng bắt gặp việc làm bánh khảo của con để thiết đãi bạn bè, mời khách, hay làm quà cho nhau trong những ngày Tết.

Cùng với các loại bánh, người Giáy thường làm xôi màu và tùy vào dịp lễ tết để chọn làm xôi cho đúng phong tục. Trong ngày Tết Xiêng láo bà con làm xôi một màu, Tết tháng ba thì làm xôi 3 màu còn Tết tháng bảy thì làm xôi 7 màu. Tết Xiêng láo các gia đình chọn làm xôi màu tím. Màu xôi được lấy từ một loại lá rừng, gọi là lá cẩm, đem đun lấy nước rồi ngâm với gạo nếp sau đó cho vào đồ...

Tết Xiêng láo cũng không thể thiếu món khâu nhục. Đây là món ăn được làm từ thịt ba chỉ lợn, nhưng rất cầu kỳ và tốn khá nhiều thời gian. Thịt rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ sau đó vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều và cho thịt vào chảo mỡ nóng rán cho vàng đều mới vớt ra. Sau đó lại cho miếng thịt đã rán được thái, ướp với các loại gia vị và cho vào hấp đến chín mềm…/.

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT