Hoạt động của ngành

Nam Định hủy bỏ lễ khai mạc và nhiều hoạt động tại lễ hội Phủ Dầy 2021

Cập nhật: 26/03/2021 10:43:12
Số lần đọc: 739
Xã Kim Thái thành lập 21 chốt kiểm soát tại các khu vực vào đền, phủ để nhắc nhở người dân, du khách thực hiện việc đeo khẩu trang, giãn cách theo quy định, nhất là xử lý hiện tượng mê tín dị đoan.


Lễ hội Phủ Dầy được trang hoàng lộng lẫy cờ hoa. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Chiều 25/03, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản Đỗ Văn Kỳ cho biết, huyện đã quyết định không tổ chức lễ khai mạc lễ hội Phủ Dầy năm 2021, không tổ chức lễ rước đuốc, thỉnh kinh và một số trò chơi tập trung đông người tại đây để phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, lễ hội Phủ Dầy là một trong những lễ hội lớn tại tỉnh Nam Định, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách cả nước.

Do đó, dù lễ khai mạc không được tổ chức nhưng dự kiến cũng sẽ có nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố về các đền, phủ (trong dịp chính lễ vào đầu tháng Ba âm lịch) để thực hành tín ngưỡng tâm linh. UBND huyện đã xây dựng phương án phòng, chống dịch trong mọi tình huống, đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc thực hiện.

UBND huyện Vụ Bản đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND xã Kim Thái đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, du khách cũng như các cơ sở thờ tự trên địa bàn thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế; thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đền, phủ, chùa, lăng không bày bán hàng trong khuôn viên di tích, không tụ tập đông người, không để xảy ra tình trạng đổi tiền lẻ, tệ nạn ăn xin trong khu vực di tích...

Công an huyện Vụ Bản chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong thời gian diễn ra lễ hội, tuyệt đối không để tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, kinh doanh hàng cấm, trò chơi ăn tiền bất hợp pháp xảy ra; kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, không đeo khẩu trang, không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Ông Trần Khắc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Kim Thái thông tin, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, xã đã in hơn 500 pano để tuyên truyền về công tác phòng dịch đặt xung quanh các đền, phủ, chùa, lăng trên địa bàn.

Xã cũng thành lập 21 chốt kiểm soát tại các khu vực vào đền, phủ để nhắc nhở người dân, du khách thực hiện việc đeo khẩu trang, giãn cách theo quy định, nhất là xử lý hiện tượng mê tín dị đoan trong mùa lễ hội.

Quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy bao gồm gần 20 đền, phủ, chùa, lăng gắn liền với sự tích về mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và nổi tiếng với nghi lễ chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất của đạo Mẫu.

Từ khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lễ hội Phủ Dầy ngày càng khẳng định được vị thế và trở thành điểm du lịch tâm linh của nhiều du khách.

Hằng năm, vào mùa lễ hội (khai mạc ngày 3 tháng Ba âm lịch), lễ hội Phủ Dầy đón hàng vạn du khách thập phương tụ hội để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục