Vĩnh Long chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù
Vĩnh Long là tỉnh ở trung tâm khu vực ĐBSCL, nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu thơ mộng, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng như: khí hậu trong lành mát mẻ, kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, đất đai được phù sa bồi đắp, cây trái bốn mùa sum suê, nơi giữ gìn nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của khu vực ĐBSCL;đặc biệt, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận tiện, cơ sở lưu trú ngày càng đảm bảo, nâng cao chất lượng,…rất thích hợp cho phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn,… Tuy nhiên, thời gian qua, lượng khách đến Vĩnh Long, doanh thu từ dịch vụ du lịch mang lại chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh hiện có.
Du khách thích thú khi tự tay đan lát tại huyện Vũng Liêm.
Thời gian qua, Vĩnh Long khai thác các sản phẩm du lịch chủ yếu, sẵn có của địa phương như: Du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, khai thác tập trung tại 4 xã cù lao huyện Long Hồ, cù lao Mây huyện Trà Ôn, cù lao Dài huyện Vũng Liêm, gắn với tham quan vườn cây ăn trái, cùng trải nghiệm cuộc sống cộng đồng của người dân địa phương như: chèo xuồng, chài lưới, tát mương bắt cá, làm bánh, nấu ăn, đạp xe dạo quanh đường làng, thưởng thức các món ăn dân dã địa phương và nghe đờn ca tài tử Nam Bộ thả hồn theo phong cảnh cây trái nên thơ, hữu tình ở một miền quê sông nước yên bình.
Bên cạnh đó, kết hợp với việc tham quan các di tích, công trình kiến trúc văn hóa lịch sử tiêu biểu của tỉnh (sản phẩm du lịch văn hóa), như: Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang, Văn Thánh Miếu, chùa Tiên Châu,…Cùng với đó, tham quan các làng nghề truyền thống ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh như: sản xuất gạch, gốm; hoa kiểng; cây giống; đan thảm, lục bình; trồng lát và se lõi lát; nghề bánh tráng giấy và bánh tráng nem,...
Về ẩm thực và đặc sản của tỉnh có cam sành (Tam Bình), bưởi 5 Roi, thanh trà (Bình Minh);khoai lang (Bình Tân);xoài cát núm, măng cụt, bòn bon (Vũng Liêm); chôm chôm (Trà Ôn); nhãn, sầu riêng, chôm chôm,... (Long Hồ). Các món ăn đồng quê như:cá Lóc nướng trui, khoai lang chấm mắm sống, cá chạch kho nghệ, cháo gà,... thưởng thức cùng với rượu Hòa Hiệp (Tam Bình), rượu Sơn Đông hay còn gọi là rượu Cái Sơn (Long Hồ),… tạo nên nét văn hóa ẩm thực đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung xây dựng, phát triển 04 sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó sản phẩm chủ lực là Du lịch homestay(Tham quan, lưu trú, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt sông nước của người dân Vĩnh Long); 02 sản phẩm bổ trợ là Du lịch Nông nghiệp (Tham quan vườn cây trái, kết hợp trải nghiệm một ngày làm nông dân, một ngày làm địa chủ, một ngày trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…) và Du lịch Làng nghề (Tham quan, trải nghiệm công đoạn làm sản phẩm của các làng nghề như gốm, đan đát, dệt chiếu…); Du lịch Văn hóa (Tham quan tìm hiểu các yếu tố lịch sử văn hóa, thân thế sự nghiệp các danh nhân đất Vĩnh, góp phần giáo dục về truyền thống cách mạng của dân tộc) đóng vai trò sản phẩm định hướng phát triển.
Các hoạt động chủ yếu đưa vào chương trình tour phục vụ khách du lịch tham quan là trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt sông nước của người dân Vĩnh Long gắn với sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác yếu tố văn hóa về phong tục tập quán, lễ hội địa phương…góp phần tiêu thụ tại chổ các sản phẩm từ nông nghiệp, từ làng nghề…làm cơ sở phát triển quà tặng du lịch trong thời gian tới.
Đề án ra đời nhằm xác định, xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù tỉnh Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà, tạo ra tính hấp dẫn góp phần tăng lượng khách và doanh thu ngành du lịch trong thời gian tới. Thông qua tính thu hút từ sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, lượng khách du lịch đến Vĩnh Long giai đoạn từ năm 2021 – 2025 phấn đấu tăng trung bình 9%/năm, doanh thu tăng bình quân 25%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 lượng khách tăng trung bình 10%/năm, doanh thu tăng bình quân 30%/năm.
Du khách giao lưu, chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ nhân hát bội.
Bên cạnh đó, để xây dựng được thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long cũng đề ra nhiều giải pháp như: tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch (giao thông thủy, bộ) gắn với xây dựng nông thôn mới phục vụ phát triển du lịch, nhất là xây dựng hệ thống các bến tàu khách du lịch đạt chuẩn, các khu, điểm quy hoạch phát triển du lịch; xây dựng mới, chỉnh trang các cơ sở du lịch đạt chuẩn; liên tục phát triển sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao gắn với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; xây dựng kênh phân phối đảm bảo tiêu chuẩn về các sản vật, chương trình tourcung ứng cho khách tại địa phương đến. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước kết hợp với văn hoá, danh nhân, trang trại, làng nghề, mua sắm, vui chơi giải trí, trải nghiệm đời sống không gian lúa nước,…
Củng cố mối liên kết phát triển du lịch giữa Vĩnh Long và các tỉnh trong Cụm phía Đông ĐBSCL, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh theo chương trình đã được ký kết đồng thời mở rộng kết nối với các tỉnh còn lại trong khu vực và các tỉnh, thành trong cả nước. Thông qua việc hợp tác cùng phát triển du lịch, Vĩnh Long có thêm cơ hội kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch theo hướng đa dạng các dịch vụ giải trí hỗ trợ như công viên văn hóa- chủ đề - giải trí, khu vui chơi - mua sắm - ẩm thực nhằm thu hút, giữ chân và tăng chi tiêu của du khách giúp tăng thu ngân sách.
Khách du lịch trải nghiệm đi tàu du lịch trên sông Tiền.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tác động tích cực cho ngành dịch vụ phụ trợ cùng phát triển, góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quảng bá nét đẹp vùng đất - con người Vĩnh Long đến bạn bè trong và ngoài nước, tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, để Du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững trên nền tảng khai thác các sản phẩm đặc thù tại địa phương thiết nghĩ cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị cũng như sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan hữu quan.
Hữu Thoại