Non nước Việt Nam

Nam Định: Liêm Hải gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Cập nhật: 08/03/2024 13:56:00
Số lần đọc: 1687
Trải qua thăng trầm thời gian, những giá trị văn hoá truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở xã Liêm Hải (Trực Ninh, Nam Định) hiện vẫn đang được các thế hệ người dân nơi đây kế thừa, gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại.


Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải.

Nỗ lực bảo tồn di tích

Trên địa bàn xã Liêm Hải có 2 di tích được xếp hạng gồm Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Tuân Lục và di tích cấp tỉnh Chùa Dưa (còn gọi là Tây Quan Tự). Di tích lịch sử Đền Tuân Lục thờ Quan huấn đạo Đỗ Công Hạo. Sinh ra ở quê hương Tuân Lục, ông là người đầu tiên mở mang nền học vấn cho nhân dân trong làng và có công phò giúp triều đình nhà Lê sơ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Đền Tuân Lục còn phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức thánh Triệu Việt Vương cùng các vị thần như: Nam Hải chi thần, Cao Sơn thượng đẳng thần, Nam Hải Phạm Đại Vương và Hải thượng đẳng thần. Để ghi nhận công đức của các vị thần, tại di tích còn lưu giữ được hệ thống các đạo sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, cùng với đó là hệ thống các hiện vật như: Tượng thờ, ngai, bài vị, chuông đồng, sấu gỗ… có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và khẳng định được giá trị lịch sử của di tích. Di tích Đền Tuân Lục được xây dựng trên một khuôn viên rộng với các hạng mục: Nghi môn, sân, vườn, giải vũ, công trình kiến trúc chính (tiền đường và cung cấm), lăng mộ, miếu thờ. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích, nhân dân địa phương thường xuyên phát tâm đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích, thể hiện ý thức của nhân dân trong việc gìn giữ di sản văn hóa của cha ông, theo đúng quy định của Nhà nước. Ngay sau khi được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1996, UBND xã Liêm Hải thành lập Ban quản lý di tích gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và các bậc cao niên trong làng. Hàng năm, Ban quản lý di tích tổ chức triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa và các quy định pháp luật khác, tăng cường công tác bảo quản các hiện vật của di tích để phục vụ công tác nghiên cứu. Tại di tích, địa phương đã tổ chức một số kỳ lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh dân gian đặc sắc nhằm tôn vinh công đức của các vị thần. Tiêu biểu nhất là kỳ lễ diễn ra trong 2 ngày mồng 5 và 6 tháng Giêng để kỷ niệm ngày sinh của Quan huấn đạo Đỗ Công Hạo. Lễ hội có nhiều nghi thức như: Dâng hương, tế lễ, đặc biệt là trò chơi dân gian “cướp Trái” được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Để tổ chức trò “cướp trái”, dân làng phải tìm chọn “quả Trái” là gốc dứa dại, sau đó gọt thành hình bầu dục. Ngày 23 tháng Chạp người dân trong làng chuẩn bị đầy đủ lễ vật ra đền làng trình cáo lên Thánh rồi đem “quả Trái” vào hậu cung. Từ mồng 3, đội tế nam quan của làng ra đền tế lễ cầu “quốc thái dân an” và xin Thánh rước “quả Trái”… Chiều mùng 4 Tết diễn ra tục “cướp Trái” gồm 2 phiên chơi, mỗi phiên 30 người. Trên bãi chơi, người dân trong làng rước kiệu ra chọn lò cái. Khi chọn được lò cái, Ban tổ chức cắm cờ đào hố. Lệnh “cướp Trái” được vang lên bằng tiếng trống, đó cũng là lúc Trưởng ban tổ chức ném trái xuống để hai phiên cùng chơi. Bên nào cướp được trái nhanh nhất là thắng cuộc. Khác với lễ hội ở các nơi, tục “cướp Trái” ở làng không có giải nhất, nhì. Tham gia cướp trái, người thắng người thua đều vui vẻ, cùng được nhận lộc Thánh lấy may.

Rộn rã chiếu chèo

Xuất phát từ tiền thân câu lạc bộ (CLB) chèo của thôn Hải Lộ, năm 2018, được sự cho phép của các cấp chính quyền, CLB chèo Liêm Hải chính thức được thành lập. CLB chèo xã hiện có hơn 20 thành viên, với đầy đủ nhạc công và diễn viên đảm nhận tất cả các công việc từ múa, hát, diễn xuất, sáng tác, dàn dựng chương trình kịch mục… Ông Lê Trung Bàn, Chủ nhiệm CLB cho biết: Thời gian đầu thành lập, CLB còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu kinh phí hoạt động và hạn chế về khả năng diễn xuất nhưng các thành viên trong CLB đã khắc phục khó khăn, dày công tập luyện, nâng cao khả năng diễn xuất để biểu diễn phục vụ nhân dân. Được sự ủng hộ của người dân và sự hỗ trợ của chính quyền xã về kinh phí hoạt động, đến nay, CLB trang bị được đủ hệ thống loa, đài, tăng âm, trang phục, đạo cụ biểu diễn và một số nhạc cụ dân tộc như: đàn tam, đàn nhị, sáo trúc, song loan, lưu, hồ, trống, phách. Lịch biểu diễn của CLB cũng đều đặn hơn trước, chất lượng các chương trình nghệ thuật từng bước được nâng lên. Ngoài biểu diễn nhuần nhuyễn, thuần thục các vở chèo cổ như: Lưu Bình - Dương Lễ, Tống Trân - Cúc Hoa, Trương Viên, Tấm Cám, Thạch Sanh… CLB còn dàn dựng các chương trình hát văn, ca khúc cách mạng với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước... Hiện nay, ngoài phục vụ các sự kiện, lễ hội ở địa phương, CLB còn biểu diễn ở nhiều lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hoá của các xã trong khu vực như: Chùa Đông Hạ (xã Trung Đông), Chùa Lương Hàn, Từ đường Phạm tộc (xã Việt Hùng), Chùa Văn Hiến, Chùa Cổ Chất (xã Phương Định), Chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ)… CLB chèo xã Liêm Hải thường xuyên đại diện cho xã tham gia các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện và đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Từ các hạt nhân của CLB chèo xã, phong trào văn hoá, văn nghệ ở xã Liêm Hải phát triển đồng đều, rộng khắp các thôn. Các tốp, đội văn nghệ có từ 5-10 người, hoạt động theo phương thức xã hội hoá; các thành viên tự nguyện đóng góp kinh phí, sinh hoạt văn nghệ thường kỳ. Hàng năm, mỗi tốp, đội văn nghệ đều tổ chức dàn dựng từ 3-4 chương trình ca múa nhạc, biểu diễn trong các buổi sinh hoạt của các chi hội: Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh ở các nhà văn hóa thôn. Vào các dịp hội làng truyền thống, lễ mừng thọ đầu Xuân, lễ Phật đản, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), tiễn tân binh lên đường nhập ngũ… các tốp, đội văn nghệ dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ nhân dân. Đặc biệt, vào dịp Rằm tháng Bảy hoặc trong đám tang, đám giỗ của những người có tuổi thọ cao, một số tốp, đội văn nghệ còn biểu diễn loại hình nghệ thuật chèo chái hê đặc sắc với các phần trình diễn: giáo roi, nhị thập tứ hiếu, múa hát chèo thuyền cạn, múa hát kể thập ân, quan họ...

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Liêm Hải cho biết: Để bảo tồn giá trị các di sản và nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, Đảng uỷ, UBND xã Liêm Hải đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, gắn với việc bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa của quê hương. Ban quản lý di tích xã thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh quanh khu vực các di tích; qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông. Xã cũng tạo điều kiện về cơ sở vật chất luyện tập, có nhiều hình thức khuyến khích các CLB, tổ đội văn nghệ dân gian truyền thống thành lập và hoạt động hiệu quả; chủ trương bảo vệ không gian văn hóa làng quê truyền thống trong quá trình thực hiện cải tạo, kiên cố hóa, hiện đại hóa các công trình phúc lợi; phát huy vai trò của dòng họ trong duy trì nền nếp gia phong. Năm 2023, toàn xã có 3.694/3.867 hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 95,5%; 10/10 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”./.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn: Báo Nam Định - baonamdinh.vn - Đăng ngày 08/3/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT