Cần phát huy hơn nữa nguồn lực di sản văn hóa
Ảnh minh họa: Anh Tuấn
Trải nghiệm cùng nhóm bạn bè qua một số địa điểm chùa Việt, đã chỉ ra rằng, kết cấu kiến trúc, phong cách, niên đại chùa có tác động ít nhiều tới tâm lý hành hương lựa chọn điểm đến của du khách đầu Xuân.
Nhóm thứ nhất, đa số chọn các ngôi chùa cổ. Loại này có thể kể đến chùa Hương, chùa Mía, chùa Thầy, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Quỳnh Lâm, quần thể Yên Tử (Quảng Ninh)… Tại sao họ chọn những chùa này? Phần lớn họ chú tâm tới yếu tố truyền thống của ngôi chùa. Điều này có nghĩa là những chùa này đã xây dựng lâu và có một bề dày lịch sử được họ biết đến, với những kiến trúc truyền thống, chất liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, đá, gạch, tạo cho họ cảm giác ấm cúng thân thuộc. Nhóm này đa số người trung tuổi. Nếu là trẻ tuổi thì hầu hết có kiến thức nhất định về Phật giáo. Tâm lý chung của nhóm này là: Chùa cổ tạo cho họ cảm giác linh thiêng hơn và bớt ồn ào, đông đúc.
Nhóm thứ 2, đa số chọn những ngôi chùa mới. Tức mới xây, mới khánh thành. Các chùa này có thể kể đến như: Bà Vàng (Quảng Ninh), Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình), Đại Tuệ (Nghệ An)… Gọi là chùa mới nhưng đa phần đều được xây dựng trên nền, đất chùa cũ. Vậy nên cũ mới trong nhận thức nhóm này chỉ đơn thuần về mặt vật lý. Tuy nhiên nhóm này thường chọn chùa mới vì họ hay đọc báo, xem tin, truyền thông mạnh về những chùa này, với hình ảnh đẹp và bắt mắt. Hơn nữa họ cũng chịu ảnh hưởng bởi nhóm bạn bè đã từng đi và đăng ảnh trên các trang cá nhân. Bởi vậy thành phần nhóm này thường là người trẻ. Họ đến chùa không chỉ cầu an, mà quan trọng còn là check-in để có một bộ sưu tầm ảnh kỷ niệm, đáng nhớ. Nơi đến lựa của nhóm này, rõ ràng rất huyên náo, với kiến trúc hiện đại, rông to, kết cấu bê tông và có nhiều tạo cảnh hoành tráng.
Qua hai nhóm lựa chọn trên mới thấy, di sản văn hóa Phật giáo hôm nay rõ ràng đang có một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong cái hiện đại có cái quá khứ. Với mỗi trạng thái thiên về cổ hay kim đều có những lựa chọn du khách du Xuân với những mục tiêu và tâm nguyện khác nhau. Cả hai loại hình đều ta một nguồn vốn từ văn hóa và đang trở thành những điểm đến thu hút du khách. Điều này cũng cho thấy, không có loại hình điểm đến nào là dở hay chiếm ưu việt tuyệt đối cả, nhưng cả hai loại hình đều làm tốt một chức năng duy nhất là: Đáp ứng nhu cầu tâm linh, văn hóa, giải trí cho người dân.
Từ quan sát xã hội học trên cho thấy, vốn di sản văn hóa Việt, trong đó có nền tảng là các tôn giáo, tín ngưỡng, đã và đang là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, nhất là mảng dịch vụ du lịch cho nhiều địa phương. Điều này đặt ra cho các nhà chức trách một nhiệm vụ quan trọng là: Hãy phát huy vốn di sản dân tộc để phát triển kinh tế, đồng thời cần lan tỏa di sản này không chỉ cho người Việt mà cả bạn bè năm châu biết đến hồn việt, văn hóa Việt từ nguồn di sản này. Mặt khác, cũng đặt ra một trách nhiệm không nhỏ cho các nhà quản lý và các chủ thể di sản: Cần giữ gìn hồn văn hóa Việt cho tinh tuyền và lành mạnh, tránh sự xâm nhập quá sâu của quá trình thế tục hóa.
Ngô Quốc Đông