Sơn La: Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Biểu diễn nhảy Tha Khềnh của đồng bào dân tộc Mông, Sơn La. Ảnh: Việt Anh
Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được kiểm kê, nhận diện, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, xây dựng hồ sơ nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO và được UNESCO công nhận xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời nghiên cứu sưu tầm, chế tác, sử dụng truyền dạy và tư liệu hóa loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc như nhạc cụ truyền thống, dân ca dân vũ, nghề thủ công truyền thống, các nghi lễ truyền thống..., góp phần lưu giữ, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La tới các vùng miền trong cả nước và quốc tế.
Nghệ nhân Lò Văn Lả, trú tại tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La cho biết, phong trào xòe Thái ở Sơn La rất sôi nổi, bà con ở đây ngày nào cũng múa xòe, bản nào cũng có xòe, nhà nào cũng tham gia xòe. Đến nay, điệu xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng tôi quyết tâm gìn giữ và phát triển để xòe trở nên phổ biến hơn.
Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020, lễ hội gội đầu của người Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái mang tính nhân văn sâu sắc. Lễ hội được tổ chức vào ngày 30 Tết - ngày cuối của năm cũ, vì thế, trước khi làm nghi lễ cúng Tết ở nhà, mọi người đều phải ra sông, ra suối tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới. Để lễ gội đầu diễn ra tốt đẹp, trước đó hàng tuần người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước, nước gạo để trong chum hoặc trong nồi khoảng một tuần hoặc lâu hơn, còn nước gội đầu là hương liệu dầu của quả bồ kết pha lẫn nước vo gạo, cánh hoa rừng.
Để bảo tồn, phát huy những nét đẹp và những giá trị truyền thống, hàng năm huyện Quỳnh Nhai đều tổ chức lễ hội gội đầu để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trắng. Lễ hội cũng là dịp để huyện Quỳnh Nhai quảng bá, giới thiệu về đất và người Quỳnh Nhai - một địa điểm đẹp để du lịch, một trải nghiệm dành cho du khách khi đến đây.
Nghệ nhân Nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai chia sẻ: Chúng tôi dùng lá cây so xe và nước gạo để gội đầu, với mục đích là để gột đi hoặc làm sạch những điều không may mắn của năm cũ, để cái nghèo đói của năm cũ trôi đi theo dòng nước, để đón một năm mới tốt đẹp, ấm no hơn.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường ở Sơn La đã lưu giữ và sáng tạo nên một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó có mo Mường. Mo Mường là loại hình văn hóa nổi bật độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, các thế hệ dân tộc Mường đã bền bỉ lưu giữ các giá trị truyền miệng của mo Mường, tạo nên sức sống và sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Đó là các hoạt động diễn xướng được thể hiện theo phong cách dân gian, các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường. Không gian tổ chức hoạt động diễn xướng và lời mo được diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình tổ chức nghi lễ, chủ thể mo Mường là những thầy mo - những người giữ tri thức có thể thuộc lòng hàng vạn câu mo, thông thạo các nghi lễ tập quán, phong tục, là người có uy tín được cộng đồng tin tưởng. Các đồ cúng của thầy mo gồm nhiều vật dụng như kiếm, chuông đồng, rìu đá, rìu đồng... là những đồ vật cổ tồn tại trong quá trình thực hiện một số nghi lễ của người Mường và lưu truyền từ nhiều đời nay.
Ông Lường Văn Nhiên, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu cho biết, mo về lễ tang đã có 14 bài, tất cả các loại mo thì có nhiều loại lắm, cái thì làm nhà, cái thì cưới, cái thì đón bố mẹ, cái thì đón ông bà về bàn thờ, mo cơm mới, làm vía..., nhiều bài mo đón thổ công thổ địa, gọi hồn, gọi vía. Lúc làm mo, thầy mo sẽ không mặc quần áo thầy, không mang quạt, không kiếm, không dao vì đó là bài mo bình thường hoặc những bài mo đón ma thờ về nhà, thầy cũng không đội mũ mo, hoặc gọi hồn, gọi vía cũng vậy...
Ném pao - trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La. Ảnh: Việt Anh
Xã hội ngày càng phát triển, có nhiều sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, nhưng mo Mường vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của dân tộc Mường. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung và di sản mo Mường nói riêng, những người làm công tác văn hóa ở Sơn La đã khai thác và thực hiện đồng bộ các giải pháp một cách khoa học, đồng thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về giá trị của di sản, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La nói, nét đặc sắc của đồng bào dân tộc Sơn La đó là đồng bào các dân tộc cư trú đan xen với nhau, họ có sự giao thoa văn hóa vô cùng đậm nét, nhưng bản sắc văn hóa các dân tộc vẫn không thể pha tạp được. Thời gian tới, chính quyền địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để bảo vệ di sản văn hoá cũng như phát huy giá trị của nó, bên cạnh đó cũng tuyên truyền sâu rộng cho bà con để bà con có trách nhiệm giữ gìn di sản văn hóa của mình.
Mùa Xuân là mùa của những lễ hội truyền thống, với 12 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia, lĩnh vực bảo tồn di sản đang được ngành văn hóa tỉnh tích cực chọn lọc di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, loại bỏ dần những tập tục lạc hậu, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân. Đồng thời nghiên cứu các di sản văn hóa phi vật thể để biến những di sản trở thành sản phẩm du lịch và có phương pháp bảo tồn không gian văn hóa, cảnh quan môi trường, tránh thương mại hóa di sản văn hóa. Bên cạnh đó, ngành văn hóa tỉnh cũng chú trọng phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, ưu tiên các di sản văn hóa dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người. Cùng với đó, tiếp tục phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên thế giới, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.
Ái Vân