Hoạt động của ngành

Nam Định nỗ lực quảng bá giá trị văn hóa, ẩm thực ra thế giới

Cập nhật: 29/03/2021 10:01:06
Số lần đọc: 702
Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định ra đời với vai trò bảo tồn, phát huy và quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa ẩm thực Nam Định tới khắp cả nước và ra thế giới.


Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định chúc mừng Ban Chấp hành Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ngày 26/3/2021, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định chính thức ra mắt Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2021 – 2026. Một trong những phương hướng chính trong giai đoạn này là tập hợp, tổ chức hoạt động, phối hợp với các nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ẩm thực Nam Định nói riêng và của đất nước nói chung.

Phát biểu tại Đại hội thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị Hiệp hội tích cực phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tiếp tục giới thiệu các đặc sản, sản phẩm của tỉnh Nam Định rộng khắp cả nước và ra thế giới. Thông qua quảng bá ẩm thực, các giá trị văn hóa, du lịch của Nam Định sẽ được biết tới rộng rãi.

Theo bà Lê Thị Thiết – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, mục tiêu chính trong thời gian tới của Hiệp hội là tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị các đặc sản Nam Định, tập trung vào các thương hiệu ẩm thực như phở Nam Định, bún đũa, kẹo Sìu Châu. Hiệp hội đang xây dựng đề án để hỗ trợ các nghệ nhân, hộ gia đình và đơn vị sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh, đúng tiêu chuẩn.


Kẹo Sìu Châu - đặc sản Nam Định.

“Chúng tôi sẽ gắn kết ẩm thực và du lịch để cùng phát triển, trước mắt ưu tiên các sản phẩm đóng gói được như kẹo Sìu Châu để tạo thành loại quà tặng đặc trưng. Để phở Nam Định được biết tới rộng rãi, chúng tôi sẽ đưa những đầu bếp giỏi của Nam Định đi nấu phở trên khắp cả nước và ra nước ngoài khi điều kiện cho phép” - bà Lê Thị Thiết cho biết.

Đề xuất giải pháp nâng tầm giá trị văn hóa, ẩm thực Nam Định trong thời gian tới, ông Lê Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho rằng, trước tiên Nam Định phải đăng cai tổ chức các sự kiện lớn về ẩm thực, ví dụ như Ngày hội phở Việt, Festival Phở. Tiếp đó, sự phối hợp “3 nhà” giữa nhà nước, nhà nghiên cứu và nhà kinh doanh cần được thắt chặt hơn. Quan trọng hơn, du lịch sẽ là “đôi cánh” để ẩm thực bay xa, bay cao.


Nam Định có nhiều lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, ẩm thực. Nguồn: Ecohost

“Văn hóa ẩm thực và du lịch luôn cần đồng hành với nhau. Nhờ ẩm thực, du khách có thêm trải nghiệm và cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa bản địa. Nhờ sự vào cuộc của ngành du lịch, ẩm thực có thêm ‘đôi cánh’ để bay xa hơn vì du khách từ khắp nơi sẽ tìm tới thưởng thức và giới thiệu cho người thân, bạn bè” – ông Lê Tân nhận định. 

Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đang phối hợp với các công ty du lịch để xây dựng chương trình trải nghiệm ẩm thực lồng ghép vào tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Bà Bùi Thị Nhàn – Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Ecohost cho biết, các tour du lịch tại Nam Định do Ecohost tổ chức luôn đưa du khách thưởng thức các món ăn bản địa, ẩm thực đồng quê và nhiều loại kẹo, bánh truyền thống. Hơn nữa, sau Covid-19, loại hình du lịch tìm hiểu làng quê, trải nghiệm thiên nhiên và cuộc sống bản địa cũng là xu hướng nổi trội./.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn: VOV.vn

Cùng chuyên mục