Tin tức - Sự kiện

Nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết nhằm phục hồi du lịch trong điều kiện bình thường mới

Cập nhật: 04/04/2022 08:51:00
Số lần đọc: 768
(TITC) - Sáng ngày 2/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới”. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Anh Tuấn đồng chủ trì hội thảo.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Anh Tuấn đồng chủ trì hội thảo. Ảnh TITC

Tham dự hội thảo còn có đại diện các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch, Sở quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, liên chi hội trực thuộc và các phóng viên báo đài trung ương và Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tại hội thảo. Ảnh TITC

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định rằng nhân lực là một yếu tố sống còn đối với ngành kinh tế đặc biệt là ngành du lịch. Thách thức đặt ra khi bắt đầu phục hồi ngành du lịch là làm sao tập hợp được lực lượng lao động du lịch trở lại và thay đổi cho phù hợp với điều kiện tình hình mới, bồi dưỡng lực lượng lao động cũ và đào tạo cho lực lượng mới. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều về tư duy và hành động trong giai đoạn mới. Những yếu tố mới như vấn đề an toàn, môi trường, chuyển đổi số sẽ bắt đầu được đưa vào lĩnh vực đào tạo.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thủy tại hội thảo. Ảnh TITC

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy chia sẻ rằng hơn hai năm qua, ngành du lịch phải đối mặt với thách thức do đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng dẫn đến lao động du lịch phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề. Đến nay, Việt Nam đã mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3/2022, mở ra cơ hội cho ngành du lịch phục hồi lấy lại đà tăng trưởng. Trước cơ hội trên, việc tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh bình thường mới. Hội thảo là cơ hội để đánh giá thực trạng, tìm các giải pháp có hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn tại hội thảo. Ảnh TITC

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho biết Bộ VHTTDL đã ban hành 7 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, do Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và các doanh nghiệp phối hợp xây dựng; đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành 13 bộ tiêu chí đầu ra, danh mục các ngành nghề trọng điểm quốc gia với các nhóm ngành nghề như quản trị nhà hàng, lễ tân, quản trị ăn uống, lữ hành, du lịch sinh thái, hướng dẫn du lịch, quản trị khách sạn… Bộ VHTTDL đã giao cho các đơn vị liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch dưới tác động của đại dịch Covid-19, giai đoạn 2021-2030 và đã được ban hành ngày 31/12/2021.

Bà Nguyễn Thanh Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn) tham luận tại hội thảo. Ảnh TITC

Trong chương trình hội thảo, các đại biểu đã nghe bài tham luận của GS-TS Nguyễn Văn Đính về những vấn đề đặt ra đối với nhân lực du lịch trong giai đoạn mở cửa và khôi phục ngành du lịch; bà Nguyễn Thanh Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn) với tham luận về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong cơ sở lưu trú. Ngoài ra là các ý kiến chia sẻ về mô hình đào tạo du lịch của Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial cũng như thực trạng nhân lực trong lĩnh vực khách sạn của Khách sạn Silkpath, Khách sạn De L’Opera.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình trao chứng chỉ cho các thí sinh. Ảnh TITC

Cũng tại hội thảo, Ban Đào tạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã trao chứng chỉ cho các thí sinh đạt kết quả tại kỳ sát hạch nghiệp vụ buồng bậc 1 và 3.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT