Non nước Việt Nam

Nét đẹp gùi nam

Cập nhật: 21/07/2020 11:03:44
Số lần đọc: 1124
Bao đời nay hình ảnh chiếc gùi luôn gắn liền với những người phụ nữ dân tộc tiểu số (DTTS) Bắc Tây Nguyên, nên ít người biết rằng, vật dụng gần gũi, quen thuộc này, vẫn còn một vẻ đẹp khác, mang hình dáng, đặc tính riêng dành cho người đàn ông.

Ngày còn khỏe, thỉnh thoảng gặp chúng tôi, ông Phạm Liễm - cán bộ  lão thành cách mạng ở thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) thường kể lại những kỷ niệm không thể nào quên ở vùng căn cứ cách mạng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gian khổ. Trong số những kỷ vật được ông nâng niu giữ kỹ có chiếc gùi do đồng bào Xơ Đăng vùng Đông Trường Sơn (huyện Kon Plông) đan tặng. Đó là chiếc gùi dành riêng cho nam giới, từng ở trên lưng, theo ông đi khắp nẻo vùng sâu từ trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Được đan chủ yếu bằng dây mây, nó thể hiện ngay trong hình hài của mình sự tinh tế, khéo léo của nghệ nhân và chứa đựng sức sống thật đáng kinh ngạc. “Đi rừng đi núi, len lỏi cây cối, phải có cái này mới được...” - Ông Liễm nói .

Nghệ nhân ưu tú A Lễ vừa giỏi thổi tà vẩu vừa khéo đan lát tre nứa ở làng Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) cho hay: Cũng như đồng bào các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Giẻ Triêng…, người Xơ Đăng vùng Đông Trường Sơn không chỉ phổ biến loại gùi tròn dành cho các bà, các chị, các em, các cháu gái, mà còn có gùi dành cho nam giới.

Khác với gùi hình tròn ống đứng, thường đơn giản làm từ lồ ô, xăm lũ; gùi của đàn ông (klec) được đan cầu kỳ, kỹ lưỡng hơn và đặc biệt chỉ dùng nan là dây mây. Chủ yếu mang đi rừng, đi rẫy, nên gùi nam giới cấu tạo hình dẹp, phổ biến 1 ngăn hoặc 3 ngăn, có hai dây quàng trên vai, thân gùi ôm sát vào lưng, thuận tiện cho việc cơ động, nhanh nhẹn di chuyển. Dù có một ngăn hay ba ngăn, thì gùi đều chủ yếu để đựng các vật dụng “bất ly thân” của “chủ nhân” như con dao, bật lửa hay nắm cơm và cả con chuột, con sóc, con chim… khi săn bắt được.

Từ xưa đến giờ, làng nào cũng có người biết đan và đan gùi tròn thì nhiều người rất rành, nhưng đan gùi dành cho đàn ông thì chỉ nghệ nhân lão luyện mới có thể  đảm nhận. Thực tế, đan loại gùi này đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng sợi lạt, đường đan, sự khéo léo trong từng bộ phận kết nối. Mỗi chiếc gùi đẹp đều có thể coi là một “tác phẩm” sáng tạo của nghệ nhân đan lát.

Theo Nghệ nhân ưu tú A Nan ở làng Kon Stiu (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà): Gùi dành cho đàn ông của người Xơ đăng (nhánh Tơ Đrá) được gọi là kchui. Kchui phổ biến không chỉ với hình dẹp, mà còn có dạng hình chữ nhật đứng (phần nắp đậy hình thang). Với hai loại này, gùi đều có khung đỡ vững chắc, song gùi dẹp (một ngăn hoặc ba ngăn) thì khung bằng cật của cây lồ ô, xăm lũ được các mối đan bằng dây mây kết kín, mềm mại. Riêng kchui hình chữ nhật đứng thì khung lộ ra, dễ thấy. Nguyên liệu để đan kchui được chọn rất kỹ, riêng sợi mây để chẻ lạt phải là loại mây “vừa tuổi” hoặc hơi non một chút, có độ dẻo cao để dễ đan, dễ uốn. Vì đòi hỏi kỹ thuật cao, nên từ trước đến giờ, ở các làng tại địa bàn xã Ngọc Réo, kchui đều chỉ được các nam nghệ nhân rành nghề tạo nên.   

Đồng bào các DTTS sinh sống lâu đời tại địa bàn tỉnh đều có thói quen sử dụng các loại gùi, song riêng gùi dành cho nam giới vẫn có các kiểu dáng và cách đan, cách kết cấu thành tổng thể chiếc gùi khác nhau. Kích thước và độ dày, mỏng của gùi cũng không giống nhau.

Ở làng Pu Tá, xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), công việc đan lát của những người đàn ông Xơ Teng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) thường được tập trung vào những lúc nông nhàn, những khi rảnh rỗi, như sau mùa thu hoạch rẫy vào tháng 11 năm này sang tháng 1, tháng 2 năm sau. Gùi dành cho nữ có tên gọi kchoi santa, còn gùi dành cho nam là k'choi poong.

Trong khi kchoi santa dành cho phụ nữ được đan cầu kỳ với nhiều hoa văn (hình quả trám, mắt cáo, chân chim, tai thỏ, đuôi sam…), thì hoa văn của k'choi poong đơn giản hơn, nhưng nan đan lại tinh xảo hơn. Kchoi poong thường có ba ngăn: Ngăn chính ở giữa lưng, hai ngăn hai bên, ôm trọn khuôn lưng. Theo ông A Duân - Già làng Pu Tá, người đan thường sử dụng kỹ thuật đan nong đôi (bắt hai nan đứng, đè 2 nan đứng). Để đan chiếc gùi một ngăn, trước hết, đan một tấm nan bằng dây mây theo kích thước nhất định rồi gấp đôi lại, sau đó, đan viền hai bên cho nối vào nhau theo cách đan tết đuôi sam. Phần miệng gùi cũng đan theo kiểu tết đuôi sam. Dùng hai thanh cây xăm lũ đã được vót sẵn kẹp vào giữa thân kchoi poong để tạo thành ngăn hai bên riêng biệt, sao cho đầu nhô của hai thanh này gắn với 2 viền của ngăn chính ở giữa thân gùi. Quai đeo của k'choi poong cũng được đan bằng sợi mây bánh tẻ, khoác êm lên hai vai. Nhiều khi, chiếc kchoi poong còn được trang trí bằng những sợi tua được se từ cây rừng.    

Mạnh mẽ và lâu bền chính là đặc tính nổi bật của những chiếc gùi dành cho đàn ông, do chính các nghệ nhân, những người thợ là nam giới người đồng bào dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng… tạo ra. Theo thời gian, tuy không còn nhiều và phổ biến sử dụng như trước, song những chiếc klec, kchui, kchoi poong… bình dân mà độc đáo vẫn được tạo tác và trao truyền, là niềm tự hào về một nghề thủ công truyền thống, góp phần bồi đắp thêm một nét đẹp văn hóa dân gian của đồng bào các DTTS Bắc Tây Nguyên./.

Nguồn: Báo Gia Lai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT