Non nước Việt Nam

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất ở CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Cập nhật: 21/07/2020 09:21:48
Số lần đọc: 1094
  Di sản địa chất là những địa điểm trên trái đất nơi lưu giữ các bằng chứng, những dấu ấn của quá trình hình thành và phát triển của lịch sử tiến hóa sự sống của một vùng, một khu vực trên trái đất, như các cảnh quan, các di chỉ hóa thạch cổ sinh vật, các miệng núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động, các hang động, hẻm vực sông, hồ tự nhiên, thác nước, các diện lộ tự nhiên của đá và quặng... Những địa điểm như vậy rất có giá trị khoa học, giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử và tiềm năng thu hút các nhà khoa học và khách du lịch. Chúng được gọi chung là di sản địa chất (DSĐC) - dạng di sản hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên.


Hóa thạch Tay cuộn (ảnh TL)

DSĐC là tài nguyên không tái tạo nên cần được bảo tồn, khai thác và sử sụng bền vững. DSĐC và một công viên địa chất (CVĐC) chỉ có thể được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO nếu có một số DSĐC có giá trị quốc tế.

Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều giá trị di sản, đặc biệt là các DSĐC, trong đó có nhiều DSĐC tầm cỡ quốc tế. Đến nay các nhà khoa học đã xác định được khoảng 150 điểm DSĐC nhưng có lẽ khu vực này xứng đáng được gọi là “Vương quốc của địa hình chóp nón đá vôi”, hoặc dạng tam giác cân như ở Quản Bạ, Mèo Vạc, hoặc dạng “mái nhà lệch”, “sách đá” đặc sắc như ở Lũng Cú, Lũng Táo, Vần Chải của huyện Đồng Văn... Nhiều người có lẽ sẽ thích cái tên “Xứ xở của các hẻm vực” hơn vì Cao nguyên đá Đồng Văn vốn bị nhiều đứt gãy chia cắt, cùng với tác động hòa tan, rửa lũa của nước về sau mà tạo nên nhiều hẻm vực, như hẻm vực Khau Vai, hẻm vực Mã Pì Lèng sâu đến 700 - 800m trên sông Nho Quế, hẻm vực Sông Miện ở Quản Bạ, hẻm vực Khe Lía ở Đồng Văn, hẻm vực Mậu Duệ ở Yên Minh...

Ngoài hẻm vực, Cao nguyên đá cũng có rất nhiều biểu hiện đứt gãy khác, như vách đứt gãy Lao và Chải ở huyện Yên Minh, đá vôi bị cà nát thành bột ở Quản Bạ, các nếp uốn, nếp oằn ở Cán Tỷ... Trên cao nguyên đá cũng dễ dàng tìm thấy vô số di chỉ hóa thạch cổ sinh, như hóa thạch bọ Ba thùy ở Lũng Cú (Đồng Văn) cách ngày nay  trên 500 triệu năm; hóa thạch Tay cuộn ở Ma Lé (Đồng Văn) cách ngày nay khoảng 400 triệu năm; các hóa thạch khác như Trùng thoi, Huệ biển, San hô... cách ngày nay khoảng 250-350 triệu năm... Ngoài ra còn nhiều DSĐC đặc sắc khác chỉ mới hình thành từ khoảng 5 triệu năm trở lại đây, như núi Đôi Cô Tiên, động Lùng Khúy, hang Khố Mỷ ở Quản Bạ.

Có thể nói Cao nguyên đá Đồng Văn tái hiện một cách vô cùng đa dạng, sinh động và liên tục suốt khoảng 500 triệu năm lịch sử tiến hóa địa chất và sự sống của trái đất ở đây và vì thế mà khu vực này được UNESCO ghi danh và công nhận là CCĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn.

Để quản lý, bảo tồn DSĐC bằng các quy định của pháp luật theo tiêu chí của UNESCO, trong những năm qua tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý bảo vệ, ban hành chương trình, kế hoạch để tiến hành khoanh vùng các cụm, điểm DSĐC để bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý bảo vệ (đến nay đã khoanh vùng được 30 cụm DSĐC với khoảng 150 điểm DSĐC) và một số cụm, điểm DSĐC đã được công nhận cấp quốc gia như: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, Danh lam thắng cảnh Núi Đôi, Quản Bạ, Di tích khảo cổ và Danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Tay cuộn xã Ma Lé, Di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Huệ biển tại Lũng Pù...

Song song với đó, tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản trong cộng đồng dân cư và trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn. Đến nay cơ bản công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSĐC bước đầu đã có được kết quả, công tác quản lý, bảo vệ DSĐC đã được cộng đồng địa phương quản lý và triển khai các hình thức cần thiết để bảo vệ, và một bộ phận người dân đã biết phát huy giá trị DSĐC để phát triển kinh tế. Có thể khẳng định Danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã tạo ra sinh kế mới cho đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và mở ra hướng phát triển mới cho khu vực còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới và những năm tiếp theo, CVĐC tiếp tục tổ chức các hoạt động khảo sát, khoanh vùng bổ sung các cụm, điểm DSĐC trên CVĐC để hoàn thiện hệ thống DSĐC phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển.

Tuy nhiên, ở một số khu vực trên CVĐC vẫn còn xảy ra hiện tượng xây dựng công trình mới thay thế các kiến trúc truyền thống địa phương, chưa phù hợp, hài hòa với thiên nhiên, di sản... Từ đó cho thấy, phát triển ở vùng CVĐC là cần thiết để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân…, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải tuân thủ những quy định chung, đặc biệt là bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo và các di chỉ hóa thạch cổ sinh vật...

Hoạt động bảo tồn và phát triển không phải là hai mặt đối lập mà là một thể thống nhất, đều hướng tới mục tiêu chung là vì sự phát triển bền vững. Do vậy để phát triển CVĐC theo tiêu chí của UNESCO mà chúng ta đã cam kết, thì cần phải được triển khai đồng bộ hơn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSĐC, đặc biệt là phát triển phải gìn giữ được giá trị của các di sản và tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt, do đó cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia quản lý, bảo vệ và giám sát của người dân trên vùng CVĐC, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC.

       Nguyễn Thanh Giang

                              Phó trưởng BQL CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT