Non nước Việt Nam

Nét đẹp trang phục và trang sức truyền thống của người M’nông ở Tây Nguyên

Cập nhật: 07/11/2019 14:19:30
Số lần đọc: 1258
Trang phục của người M’nông có những đặc tính chung với nhiều dân tộc Tây Nguyên, phổ biến là các loại trang phục kiểu choàng quấn, như áo chui đầu, mền khoác ngoài, các loại khố, các loại váy mảnh mặc kiểu quấn quanh thân người.

Người M’nông thường trang trí hoa văn dải ô chéo, móc câu, hoa văn hình người… trên mặt áo, váy, khố, tấm mền..., màu sắc cơ bản gồm đen, đỏ, vàng, tím, trắng, xanh...

Nhắc đến y phục truyền thống của nam giới M’nông là nói đến chiếc khố và áo choàng quấn. Khố có ba loại: khố trắng, khố đen và khố hoa. Riêng khố trắng cũng có hai loại: khố dệt bằng sợi vỏ cây và khố dệt bằng chỉ trắng; chiếc khố này chỉ dài từ một đến hai vòng lưng, là trang phục của người nghèo. Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có dệt hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố se thành chùm sợi; chiếc khố này dài từ 3 đến 5 vòng lưng, là trang phục của người bình thường. Khố hoa dệt bằng chỉ đen, hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm màu ngũ sắc; chiếc khố này gọi là troi nhong, dài từ 5 đến 7 vòng lưng là trang phục của người giàu sang.

Chiếc áo choàng quấn gọi là áo r’hăp, được làm bằng vải. Áo r’hăp chỉ cần xếp vải thành vài ba lớp theo chiều dài, sau đó choàng từ sau lưng qua lồng ngực, đưa lên hai vai hai mối vải rồi nhét sau lưng. Người ta choàng tấm áo này khi đi dự lễ hội hoặc đi họp để bàn bạc hoặc đấu tranh vụ việc gì. Trang phục r’hăp chỉ phù hợp với các chủ làng hoặc các già làng, tộc trưởng, những người có uy tín ở bon làng, thường thay mặt bon làng đứng ra đấu tranh và giải quyết vụ việc gì.

Ngày xưa, phụ nữ M’nông để ngực trần, nửa phần dưới mặc váy. Có hai loại váy: váy dệt bằng sợi vỏ cây gọi là nah djăr, váy dệt bằng chỉ bông vải gọi là nah rnỗ. Tấm váy dệt có thêu hoa văn gọi là nah nrang. Phụ nữ mặc váy từ rốn xuống đến phía dưới đầu gối vừa giáp vòng chân chứ không che lấp vòng chân. Người nào không đeo vòng chân thì mặc váy xuống đến gót chân. Để giữ váy cho chặt, nơi lưng váy có buộc dây lưng, dây lưng của phụ nữ thắt bằng dây đồng, có treo những lục lạc nhỏ xen kẽ với những bông hoa bằng bạc.

Những sản phẩm thổ cẩm của người M’nông được tạo ra như mền đắp, khố, váy, túi, áo,… không chỉ phục vụ nhu cầu các thành viên trong gia đình, mà còn là tài sản để trao đổi hàng hóa và cũng là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Vì vậy, các cô gái người M’nông trước khi lấy chồng đều được bà, mẹ truyền dạy dệt thổ cẩm.

Đối với người M’nông, xưa kia mang trang sức không chỉ là sở thích mà còn được quy định trong luật tục, mà điển hình cho luật tục này còn hiện hữu đến hôm nay trên những người già thấp thoáng khắp những vùng sâu, vùng xa: Tục cà răng - căng tai. Trước đây thanh niên, thiếu nữ đến tuổi trưởng thành đều phải cà răng, thể hiện sự can đảm, để chứng tỏ sự trưởng thành, qua đó mới được cộng đồng công nhận và được tham gia các công việc chung của cộng đồng.

Tập tục đeo trang sức của người M’nông có từ lâu đời dành cho mọi lứa tuổi, không chỉ có người con gái, phụ nữ mà cả những trẻ em, thiếu niên, đàn ông, phụ nữ và người già, người giàu hay người nghèo cũng đều sử dụng trang sức. Người M’nông làm đẹp bằng cách sử dụng các loại trang sức từ giá trị thấp đến giá trị cao, từ chế tác thô sơ đến tinh xảo. Nguyên liệu trang sức được làm từ đồng, bạc, sừng động vật, các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như củ mì (sắn), tre, nứa…

Trang sức truyền thống quen thuộc của người M’nông là chiếc vòng đeo tay được chế tác thủ công (tự uốn) hay đúc bằng bạc, đồng hay là những chiếc dây hạt cườm với đủ các loại màu sắc. Theo tập tục truyền thống của người M’nông, trẻ em sau khi chào đời sẽ tiến hành làm lễ mở mắt và được ông bà đeo cho chiếc vòng hạt cườm với mong muốn được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Ngoài ra, người M’nông còn sử dụng vòng đeo tay làm vật dụng tạo ra âm thanh để đệm khi chơi các bài chiêng. Đặc biệt, vòng đeo tay là kỷ vật của các lễ hiến sinh, hay lễ kết nghĩa anh em, bạn bè. Nó còn tượng trưng cho sự giao ước với thần linh thay lời hứa hôn của đôi trai gái theo tập quán truyền thống của người M’nông.

Các loại trang sức truyền thống dành cho nam giới đến tuổi trưởng thành sử dụng như trâm cài tóc được uốn bằng sợi dây đồng nhỏ và phía sau đuôi được tạo hoa văn bằng những sợi len đủ các loại màu sắc, sau đuôi trâm gắn lông chim rừng quý thể hiện sự mạnh mẽ của chàng trai người M’nông đến tuổi trưởng thành; vòng đeo cổ được đúc bằng bạc hay chì thường được ông hay bố trao lại làm kỷ niệm cho các con/cháu trai đã đến tuổi trưởng thành… Trang sức nữ giới M’nông có đôi nét giống nam giới là dùng trâm cài tóc; cổ đeo dây hạt cườm hoặc vòng bạc; tai mang khuyên tai; bụng đeo dây thắt lưng bằng đồng có gắn thêm lục lạc hoặc dây hạt cườm; chân mang vòng đồng tự uốn từ dưới mắt cá chân lên tới đầu gối theo dạng hình xoắn ốc vừa có tác dụng làm đẹp vừa ngăn côn trùng cắn mỗi khi đi nương rẫy.

Ngày nay, các loại trang phục và trang sức truyền thống của người M’nông không còn được sử dụng thường xuyên như trước kia nữa, chỉ còn thấy trong các dịp lễ hội, tổ chức nghi lễ truyền thống hay đón tiếp khách quý của gia đình, bon làng./.

 

Nguồn: daklak24h.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT