Non nước Việt Nam

Ðộc đáo nghệ thuật múa của người Khơ Mú

Cập nhật: 08/11/2019 10:14:47
Số lần đọc: 1068
Nghệ thuật múa của người Khơ Mú rất độc đáo, đặc trưng với các đạo cụ từ nguyên liệu tự nhiên, chủ yếu là ống tre, nứa. Âm nhạc sôi nổi, lôi cuốn, động tác quen thuộc mà thu hút. Với nét đẹp đó cùng tính cấp thiết bảo tồn, gìn giữ, nghệ thuật múa của người Khơ Mú tỉnh ta đang được tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Múa sạp của người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng.

Theo thông tin từ Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các điệu múa cơ bản để nhận diện được nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khơ Mú đó là: Múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (Tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêps); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (Tẹ kưn vong do)... Nhiều đạo cụ được sử dụng trong múa đồng thời cũng là nhạc cụ tạo ra âm nhạc dẫn dắt người múa theo những nhịp điệu, tiết tấu riêng. Ví dụ như múa dỗ ống thì các ống tre được gõ xuống nền nhà hay mặt gỗ để tạo âm thanh, nhịp điệu.

Các động tác múa của người Khơ Mú thường tái hiện hoạt động trong đời sống sinh hoạt như: Chọc lỗ tra hạt, đuổi chim, đi rừng, đi nương, bắt cá... Tuy động tác đơn giản nhưng vẫn uyển chuyển, đẹp mắt. Và khi kết hợp với trang phục, âm nhạc truyền thống tạo nên một tiết mục độc đáo, lôi cuốn. Bà Lường Thị Nên, người Khơ Mú, thành viên tích cực đội văn nghệ bản Ten, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên giới thiệu cho chúng tôi một số điệu múa đặc trưng như:  Ong eo là lắc hông, uốn eo, mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày của người dân (gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ), thường diễn ra trong lễ tết, mừng cơm mới; múa cá lượn vào dịp vui, lễ sửa nhà với những động tác mô phỏng quẫy đuôi, chuyển động của loài cá; múa chọc lỗ tra hạt đúng như cái tên của nó, nam vừa nhún nhảy vừa dùng cây gậy chọc lỗ trên mặt đất, nữ vừa tra hạt giống vừa tiến, chân gạt nhẹ lấp đất….

“Vì thể hiện cuộc sống lao động sản xuất nên các động tác múa của người Khơ Mú thường khỏe khoắn, dứt khoát, mang tính sôi động. Khi tiếng chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa như ống tre dỗ xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả, tạo nên không khí rạo rực, lôi cuốn mọi người hòa chung vào điệu múa” - ông Quàng Văn Cá người chủ trì các lễ hội truyền thống và xây dựng đội văn nghệ bản người Khơ Mú Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng chia sẻ.

Hiện nay, cộng đồng người Khơ Mú ở hầu hết các địa bàn như: TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng,Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ vẫn còn lưu giữ và thực hành các điệu múa truyền thống trong các dịp lễ hội, tết, sinh hoạt cộng đồng... Các bản người Khơ Mú sống tập trung đã thành lập được các đội văn nghệ thường xuyên hoạt động. Ðể gìn giữ, phát huy hơn nữa nghệ thuật múa độc đáo này, ông Ðào Duy Trình, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Di sản văn hóa  (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Những năm qua, ngành Văn hóa đã tổ chức phục dựng, bảo tồn lễ cầu mưa, lễ cúng bản, lễ cầu mùa của người Khơ Mú trên địa bàn tỉnh, khi tổ chức lễ hội không thể thiếu các điệu múa trong phần hội. Ngoài ra khuyến khích cộng đồng người Khơ Mú tích cực tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch cấp tỉnh, huyện, xã. Ngành cũng đã phối hợp với UBND huyện Mường Ảng cử đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng người Khơ Mú nhiều lần tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tại đây, đoàn đã tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, giới thiệu cho du khách hiểu về văn hóa truyền thống của người Khơ Mú, trong đó có nghệ thuật múa. Về việc lập hồ sơ di sản, đến nay, Sở đã tổ chức ghi hình di sản và đang hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Sau khi hoàn thiện hồ sơ sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, đưa nghệ thuật múa của người Khơ Mú tỉnh Ðiện Biên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các điệu múa của người Khơ Mú gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước mong về sức khỏe, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Thông qua các động tác, âm nhạc, người Khơ Mú thúc giục, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gắn bó ruộng nương, yêu lao động sản xuất. Ðồng thời cũng thể hiện khát vọng tình yêu đôi lứa, tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng. Với tính nhân văn, giàu ý nghĩa, cùng sự khác biệt, đặc sắc, nghệ thuật múa truyền thống của người Khơ Mú cần được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại./.

Nguồn: baodienbienphu.info.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT