Non nước Việt Nam

Nét đẹp văn hóa người Dao Thanh Y Hoành Bồ

Cập nhật: 12/11/2019 10:34:06
Số lần đọc: 1788
Huyện Hoành Bồ có 10 dân tộc thiểu số với gần 20.000 người. Mỗi dân tộc đều mang nét văn hóa riêng, đặc sắc, trong đó văn hóa của người Dao Thanh Y được đánh giá đặc sắc hơn cả.


Người Dao Thanh Y Bằng Cả tham gia trò chơi ném còn trong hội làng Bằng Cả, năm 2017. Ảnh Trần Thanh

Người Dao Thanh Y có mặt ở hầu khắp các xã vùng cao Hoành Bồ, song tập trung nhất là tại xã Bằng Cả. Gìn giữ và phát huy vốn quý văn hóa truyền thống của mình, hằng năm, người Dao Thanh Y xã Bằng Cả tưng bừng tổ chức nhiều lễ hội, ngày hội, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn tham gia. Hội Làng Bằng Cả được tổ chức vào ngày 1/2 âm lịch. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm với nhiều nghi lễ cầu năm mới tốt đẹp, mưa thuận gió hòa… Lễ hội Bằng Cả được tổ chức theo đúng tính chất ngày hội với rất nhiều các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao, trình diễn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống…

Nét đặc sắc của hội làng Bằng Cả khiến cho sự kiện này có sức hút không chỉ đối với người Dao Thanh Y Bằng Cả, mà cả ở các xã khác và các dân tộc anh em, trở thành ngày hội văn hóa, đoàn kết chung trên toàn huyện. Để tạo không gian cho hội làng Bằng Cả, tỉnh Quảng Ninh đã cho xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Y Bằng Cả với nhiều công trình thiết chế văn hóa cụ thể, tuy nhiên do công tác duy tu, bảo dưỡng không thường xuyên nên công trình này hiện đang xuống cấp, chưa được khai thác đúng giá trị.

Nếu như hội làng là nghi lễ quan trọng nhất trong năm của cộng đồng người dân tộc Dao Thanh Y, thì lễ cấp sắc chính là nghi lễ quan trọng nhất trong cả cuộc đời người nam giới Dao Thanh Y. Đây là lễ đặt tên, người con trai Dao Thanh Y dù có nhiều tuổi đến đâu, mà chưa trải qua lễ cấp sắc coi như chưa có tên, chưa ghi danh, chưa được cộng đồng và các thần linh công nhận, sống không được tôn trọng, chết bị ghẻ lạnh. Cũng chính vì tầm quan trọng này, nên lễ cấp sắc thường được làm rất to, cầu, cúng, ăn uống… đến 3 ngày 3 đêm; thầy cúng phải là người “cao tay”, có uy tín; người được cúng phải đảm bảo thực hiện được nhiều kiêng kỵ. Hiện nay, theo quy ước, hương ước của làng về thực hiện nếp sống văn minh, nội hàm các hoạt động trong lễ cấp sắc đã được giản lược đi rất nhiều. Nhưng ý nghĩa, tầm quan trọng của lễ thì vẫn được giữ nguyên.

Người Dao Thanh Y múa hát trong mọi dịp lễ hội. Dân tộc này lưu giữ và truyền đời được rất nhiều những bài hát, điệu dân ca, dân vũ cổ như múa hát cầu mùa, múa rồng, múa gà, múa chiêu binh, hát giao duyên… Múa gà là vũ điệu bắt buộc phải diễn ra trong lễ cấp sắc. Người múa ôm con gà thật và phiêu theo hòa âm của các nhạc cụ trống, chiêng, xập xòe. Hát cầu mùa thì buộc phải kết cặp; hát giao duyên thì dành riêng cho trai gái có tình ý với nhau, nhất là hát trong các đám cưới.

Người đàn ông Dao Thanh Y mạnh mẽ bao nhiêu, thì người phụ nữ Dao Thanh Y khéo léo, đảm đang bấy nhiêu. Rượu bâu chính là sản phẩm của các cô, các chị làm say đắm lòng người. Từ chất liệu men lá, kết hợp với kỹ thuật ủ tài tình đã tạo ra thứ chất lỏng lên men, thơm ngọt, nếu uống rượu bâu vừa đủ sẽ có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Phụ nữ Dao Thanh Y còn làm trang phục truyền thống rất đẹp với màu sắc chủ đạo là màu đỏ, tượng trưng cho sự đủ đầy, hạnh phúc; hoa văn hài hòa thiên nhiên dưới gấu các ống quần, chân áo, chân khăn… Từ chất liệu tơ tằm hoặc những sợi len, các bà, các mẹ, các chị gái Dao Thanh Y đã thêu, dệt lên những bộ trang phục tinh tế, chắc chắn, vừa làm đẹp vừa bảo vệ cơ thể khỏi tác động môi trường, vừa dành cho mình, vừa là “của hồi môn” dành cho con gái…

Có thể nói, trong nhịp sống hối hả của thời đại công nghiệp, người Dao Thanh Y cũng như các dân tộc khác trên địa bàn huyện Hoành Bồ vẫn không ngừng bảo vệ, gìn giữ và phát huy vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây chính là nét đẹp của vùng đất và con người nơi đây./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT