Ok om bok: Nghi lễ văn hoá nông nghiệp của người Khmer Tây Ninh
Khi người Việt đến khai hoang mở cõi thì người Khmer đã chung tay xây dựng và phát triển xứ sở này cho đến ngày nay. Hiện tại, bà con Khmer Tây Ninh sống hòa lẫn với các dân tộc khác cũng có, mà sống tập trung thành từng làng riêng biệt cũng có, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu và xã Thạnh Tân (TP.Tây Ninh).
Hằng năm, bà con Khmer thực hiện rất nhiều nghi lễ khác nhau, từ lễ hội dân gian đến lễ hội Phật giáo. Nhưng lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp thì có Lễ cúng Neakta Srốk đầu vụ và Lễ cúng Trăng- Ok om bok cuối vụ là tưng bừng hơn cả. Nếu căn cứ vào Lễ Xuất hạ 15.9 âm lịch, sau đó là lễ Kathina thì lễ Ok om bok diễn ra vào đúng thời điểm nhất định trong năm, đó là 15.10 âm lịch. Đây là một nghi lễ mang đậm nét văn hóa nông nghiệp nhưng lại pha màu sắc dân gian lẫn Phật giáo.
Lễ hội Ok om bok đã có từ rất lâu đời, khi bà con người Khmer bắt đầu biết trồng lúa nước. Lễ hội mang nhiều ý nghĩa như đưa tiễn nước ra sông suối, vì thời gian tổ chức lễ hội là vào thời điểm cuối năm, lượng mưa đã giảm nhiều, mực nước ở ao ruộng, sông suối bắt đầu hạ xuống. Bên cạnh đó, vào dịp này nhà nông cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch mùa màng và các nông sản.
Về nguồn gốc thì lễ cúng trăng – Ok om bok bắt nguồn từ văn hóa dân gian Khmer và nghi lễ Phật giáo Nam tông. Chuyện kể rằng: “Tiền kiếp của Đức Thích Ca Mâu Ni là một con thỏ. Vào một đêm rằm trăng tròn, thỏ phát nguyện muốn hiến thể xác của mình cho bất kỳ ai cần đến, để sớm hóa kiếp khác. Lời nguyền đó ngay lập tức được vị thần Pres-ânh đang ngự ở trên trời nghe được.
Ngài liền hạ giới, biến thành một cụ già, lom khom đến gần thỏ xin được ăn thịt. Thỏ liền đồng ý, bảo thần Pres-ânh hãy đi lấy củi và nhóm lửa lên, trong khi chờ thỏ tắm cho sạch sẽ.
Khi ngọn lửa đã cháy to, thỏ liền nhảy vào lửa tự thiêu mình, biến thành thức ăn cho cụ già. Thế nhưng, khi đó ngọn lửa không những không thiêu chết thỏ mà còn phải tắt đi. Xúc động trước việc làm thiện tính đó, thần Pres-ânh bồng lấy thỏ, bay một mạch lên cung trăng và dùng phép màu vẽ hình thỏ in vào mặt trăng mãi mãi, để con người thấy mà soi gương. Và, cũng từ đó lễ hội cúng trăng ra đời ”.
Cũng giống như người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long, trước đây người Khmer Tây Ninh cũng có lễ hội đua ghe ngo, nhưng nay thì không còn nữa. Một số sử liệu cho biết quận Khiêm Hanh (Tây Ninh) xưa có địa danh là Sông Đua, tức là con sông mà bà con Khmer thường tổ chức đua ghe ngo và dịp Oc Om Bok.
Sách Trảng Bàng Phương Chí của Vương Công Đức, trang 76 có chép: “Tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, cách Gia Bình không quá 2km có thành Miên bên cạnh cái ao dài hay còn gọi là sông Đua. Tương truyền trước đây là một hồ chứa nước phục vụ thủy lợi của người Miên, được vua quan, dân chúng sử dụng thêm vào mục đích giải trí bằng các cuộc đua ghe ngo sau các mùa thu hoạch”.
Sách Tây Ninh Xưa & Nay của Huỳnh Minh còn cho biết thêm: “Trước mặt đền đài, nhà vua cho đào một con kinh dài độ 1.000 thước, bề ngang 200 thước. Kinh này được nhân gian gọi là sông Đua. Sở dĩ có tên sông Đua, vì hàng năm nhà vua tổ chức cuộc đua thuyền trên sông này” (trang 48, 49 – Sông Đua, Hào Thành).
Đó là chuyện hơn hai thế kỷ trước, còn nay bà con Khmer ở Tây Ninh tập trung lễ Cúng trăng chủ yếu là trong xóm và sinh hoạt văn hóa trên chùa. Vào dịp này bà con chuẩn bị nghi lễ rất chu đáo. Trước nhất là chọn nơi cao ráo để làm một cái cổng. Công việc đầu tiên của mọi người là đào lỗ chôn hai trụ bằng tre hai bên, mỗi bên cách nhau chừng mét rưỡi.
Xong, buộc thêm một khúc tre làm đà ngang tạo thành cổng hình chữ nhật. Với ý nghĩa là tạo ra giới hạn giữa cõi nhân gian bên trong cổng và phía ngoài là thế giới của các thiên thần. Kế tiếp là trang trí, mọi người chọn ra 24 lá trầu tươi, cuộn tròn rồi xâu kết vào hai sợi chỉ, mỗi bên 12 lá rồi giăng lên hai bên trụ.
Ý nghĩa của biểu tượng này là tượng trưng cho 12 con giáp và 12 tháng trong năm. Bên cạnh 24 lá trầu là 7 trái cau được chẻ vỏ có hình cánh ong rồi xâu lại, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần luôn khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi may mắn.
Sau khi làm cổng xong thì mọi người dọn bàn hương án và chuẩn bị đồ cúng. Thông thường bà con Khmer chọn các loại sản vật trong mùa vụ tự sản xuất được như khoai mì, khoai lang, mía, dừa, chuối sứ… đặc biệt món không thể thiếu trong nghi lễ Cúng trăng đó là cốm dẹp.
Lễ cúng bao giờ cũng diễn ra vào đêm 15/10 âm lịch, tại sân rộng trong khuôn viên các ngôi chùa như Kiri Sattray Menchey (Chùa Kà Ốt- Tân Đông, Tân Châu), Botum Kiri Rangsay (Khedol- Thạnh Tân, TP.Tây Ninh), Kiri Kuma Rama (Phụm Ma- Thành Long, Châu Thành), Riasathia Ratanak Đom Chung Ruk (Hòa Hiệp, Tân Biên), Mongkor Rangsay (Tà Lơi- Hòa Thạnh, Châu Thành) và Punlư Reaksmay Ratanak uth đom (Svay- Ninh Điền, Châu Thành).
Vì nghi lễ này luôn gắn với ngôi chùa, nơi tập trung đông bà con Khmer sinh sống. Khi mọi người tập trung đầy đủ và ngồi đâu vào đó thì lễ cúng mới bắt đầu. Khi mặt trăng nhô lên cao, lễ hội chính thức bắt đầu bằng những giai điệu trống nhộn nhịp của nhà chùa. Những đứa trẻ được cho đeo mặt nạ khỉ thần Hanoman và mặt nạ chằn cùng nhau nhảy múa điệu múa Sadăm.
Vị A Char chủ lễ ngồi bên gốc bàn cúng trong trang phục chỉnh tề thay phiên thắp ba cây nến trên cùng và giới thiệu các lễ vật dâng lên thần Mặt Trăng. Sau đó ông kể lại truyền thuyết về Đức Phật Thích Ca qua sự tích “Con thỏ và mặt trăng”. Khi mặt trăng lên đúng đỉnh đầu thì các A Char thắp nhang và đọc kinh khấn nguyện lên thần linh.
Sau đó vị A Char lấy từng món đồ cúng đút cho những đứa trẻ, đút cốm dẹp cuối cùng, rồi vỗ vào lưng và hỏi ước mơ sau này lớn lên sẽ làm gì. Câu trả lời là sự tiên toán về tương lai của chúng và là điềm báo mùa màng cũng như sự bình yên của mọi người trong năm. Thông qua việc này, vị A Char cũng đưa ra lời giáo dục cho bọn trẻ về hiếu nghĩa, làm lành lánh dữ, cũng như đạo đức cuộc sống…
Bên cạnh nghi lễ Cúng trăng, bà con Khmer còn thực hiện nghi lễ Thả đèn, đặc biệt là nghi lễ Thả đèn nước. Theo truyền thuyết, đèn nước là chiếc răng của Đức Phật được vua loài rắn Naga giữ, do đó người Khmer tổ chức lễ này để tưởng nhớ đến đức Phật và cũng để tạ lỗi với thần Đất và thần Nước vì đã bị ô uế vì sinh hoạt trong năm.
Chiếc đèn nước thường được mô phỏng theo hình dạng ngôi chùa, và tháp Khmer. Đèn được làm bằng bẹ chuối, hoặc giấy kiếng, trang trí hoa lá hay vẽ bột màu bên ngoài giấy cho thật rực rỡ. Phía trước đèn người ta treo cờ phướn, chung quanh cắm đèn cầy và nhang, bên trong còn có gạo muối, bánh kẹo... Đèn nước còn tích hợp với niềm tin là tống ôn, tống phong như phong tục của người Việt. Những cái không hay trong năm sẽ được tống khứ đi nơi khác.
Lễ thả đèn nước thường được diễn ra sau lễ cúng trăng. Đèn nước sau khi làm xong được rước đi một vòng sân chùa với sự hộ tống của đoàn múa Sadăm và mọi người cùng trong xóm. Sau khi rước đèn xong, các vị A Char đọc những câu tụng với nội dung thể hiện lòng tạ ơn thần Mặt Trăng, thần Đất, nguồn nước và mong tha thứ lỗi lầm cho con người. Sau bài tụng, người ta rước đèn ra nơi thả, thường là con suối hay ao đầm gần đó.
Như chúng ta đã biết, hàng năm người Khmer phải làm lễ để chuộc tội và tạ ơn với thần. Và lễ hội Cúng trăng, lễ Thả đèn chính là hình thức mà con người muốn bày tỏ lòng tri ơn của mình đối với thần Nước, thần Đất. Qua đó mong cầu sự tha thứ của thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh.
Mặt khác, mặt trăng trong quan niệm của người Đông Nam Á mang biểu tượng của âm tính, của cái lạnh, sự ẩm ướt, của mùa mưa. Do đó, cúng trăng, thả đèn cũng chính là tống tiễn mùa mưa, đón chào mùa khô, là cuộc đưa nước trở về trời, về nơi khởi nguồn. Để rồi năm sau sẽ được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đó là một ý nghĩa hết sức nhân văn và cũng hết sức hiện thực.
Trước đây các làng Khmer Tây Ninh còn khó khăn, đặc biệt là các phum sóc miền biên giới, đời sống của bà con rất cơ cực, phần lớn họ bị lệ thuộc vào việc canh tác lạc hậu. Nhưng ngày nay thì đã khác. Các cửa khẩu được nâng cấp, giao thương miền biên giới đã làm thay đổi bộ mặt đời sống dân cư ít nhiều.
Bên cạnh đó bà con Khmer đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại mía, mì, cao su giúp cho đời sống, mức sống ngày càng nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy mà đời sống tinh thần cũng đã có sự chuyển biến hết sức đáng kể. Ok om bok 2019 không những là lễ hội văn hóa truyền thống, mà còn là một thiết yếu tinh thần của bà con. Lễ hội không những là phần của tâm linh mà còn là một phần ý nghĩa của hiện thực đời sống giúp mọi người hiểu nhau và xích gần lại với nhau hơn./.