Nét văn hóa đặc trưng của người Mông trên cao nguyên đá Tả Phìn - Điện Biên
Với trên 70% diện tích tự nhiên là đá, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên được coi như là “tiểu Hà Giang thứ hai” của Tổ quốc. Ảnh: Thúy Hạnh
Tủa Chùa là huyện miền núi có 7 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người dân tộc Mông chiếm đa số. Chỉ riêng xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa đã có hơn 570 hộ là người dân tộc Mông với trên 3.300 nhân khẩu. Hầu hết các diện tích tự nhiên của Tủa Chùa là núi đá. Đá trên nương, đá ngập đường và đá theo đường vào từng nhà, từng xóm. Vì thế, đồng bào dân tộc Mông đã tạo ra một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình trên cao nguyên đá.
Muốn có được những nương ngô xanh tốt, thì những người nông dân như bà Giàng Thị Sú ở thôn Tả Phìn, xã Tả Phìn, đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để khai phá, nhổ cỏ, gùi đất lên nương cho vào từng hốc đá, để có đất trồng ngô. Đối với những người dân nơi đây, việc canh tác trên những nương đá, núi đá chỉ đơn thuần là những kinh nghiệm, cách làm mà họ đúc rút ra hay được thế hệ cha ông truyền lại với mục đích mưu sinh, bảo đảm cuộc sống hàng ngày như bao đời nay.
Anh Hạ Mặc, ở thôn Séo Phìn cùng con trâu cày trên những hốc đá tai mèo. Vợ của Hạ Mặc đi theo sau, gieo hạt ngô vào luống đất vừa được cày đó. Anh Hạ nói: “Trâu ở đây đặc biệt lắm. Khi đang cày mà gặp đá, nó biết dừng lại nên lưỡi cày của người Mông chúng tôi ít khi bị gãy lắm”. Nhiều thế hệ người Mông nơi đây vẫn theo cách làm như vậy để trồng ngô, trồng lúa. Bà Giàng Thị Sú chia sẻ: “Từ thời xa xưa đến nay, người dân chúng tôi luôn phải sống chung với đá, không có đất để sản xuất, nên chúng tôi phải đi lấy đất ở những chỗ khác về thả vào những hốc đá nhỏ để trồng trọt”.
Nét đặc trưng dễ nhận thấy nhất khi đến xã Tả Phìn, đó là cuộc sống của bà con dân tộc Mông nơi đây luôn gắn liền với đá. Đá được xếp quanh nhà, những bờ đá chạy dọc theo những con đường. Với nhiều gia đình, đá được xếp ngay ngắn thành tường bao, nền sân dẫn vào mái hiên nhà cũng là đá. Trên con đường vào thôn Tà Dê, xã Tả Phìn, ông Giàng A Kỷ đang chỉnh sửa lại hàng rào đá nhà mình. Hàng rào đá này, gia đình ông đã rất kỳ công xếp từng viên đá từ rất lâu rồi. Ở đây, nhà nào cũng làm như vậy. Không cần xi măng, cát, mà người Mông nơi đây xếp những viên đá sát vào nhau, dựa theo những góc cạnh của đá khiến chúng tự bám vào nhau một cách chắc chắn.
Những ngôi nhà của người Mông nơi đây được bao bọc của những hàng rào đá, cùng với năm tháng, hàng rào đá rêu phong, hòa quyện với thiên nhiên, trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong không gian văn hóa của người Mông nơi đây. Ông Kỷ kể lại: “Từ xưa, chúng tôi đã tận dụng từng viên đá có xung quanh bản để làm hàng rào. Còn chặt gỗ làm hàng rào thì không được lâu, chỉ dùng được một đến hai năm. Tuy hàng rào đá làm mất thời gian, nhưng có thể dùng được lâu đời. Hàng rào đá chống lại trâu bò, lợn, gà vào nhà khi gia đình đi vắng”.
Trong ngôi nhà gỗ được dựng mấy chục năm của ông Mùa A Dinh, ở thôn Tà Dê cho biết: “Đồng bào dân tộc Mông thường ở trên sườn núi cao. Nét đặc trưng nhà ở truyền thống của đồng bào Mông là thấp, nền đất và làm bằng gỗ tốt để luôn ấm vào mùa Đông và mát vào mùa Hè. Ngôi nhà của người Mông thường làm theo một khuôn mẫu. Dù to hay nhỏ đều phải có ba gian, hai cửa, gồm một cửa chính, một cửa phụ và ít nhất là hai cửa sổ. Ba gian nhà chính của người Mông được sắp xếp theo thứ tự. Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ. Gian bên phải là giường ngủ của con và khách. Gian giữa thường rộng hơn hai gian bên thường để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình”.
Đồng bào dân tộc Mông canh tác trên cao nguyên đá. Ảnh: Thúy Hạnh
Là một trong ít người trong thôn còn giữ nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông, ông Giàng Lủ Súa, ở thôn Tả Phìn nói, ban đầu, ông chỉ rèn các dụng cụ như dao, lưỡi cày để sử dụng trong gia đình. Sau này, ông mới rèn nhiều sản phẩm để bán ra thị trường. Nghề rèn của người Mông ở Tả Phìn là một nghề truyền thống đã gắn bó với người Mông từ bao đời nay. Từ các lò rèn ở đây, các sản phẩm đều được làm thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm..., tất cả đều được làm bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc.
Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề rèn, ông Súa đã thuộc lòng từng công đoạn rèn của từng sản phẩm. Ông Súa chia sẻ, sự tỉ mỉ, khéo léo được rèn luyện qua quá trình làm nghề. Song yêu cầu đầu tiên và xuyên suốt của nghề rèn là người thợ rèn phải có sức khỏe tốt. Người thợ cả và thợ phụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, để khi búa giáng xuống thành thép, luôn đều nhịp. Có như thế, mỗi sản phẩm rèn được làm ra mới tốt và bền.
Sống ở trên vùng núi đá cao, hòa mình với thiên nhiên nên hoa văn trang phục của người Mông mang nhiều hình ảnh của thiên nhiên vào cuộc sống sinh hoạt, lao động của người Mông. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật sắp xếp làm các màu sắc nổi bật các đường nét, hoa văn trên trang phục truyền thống. Những dãy núi tai mèo hùng vĩ và bất tận đã tạo nên một cộng đồng dân tộc Mông với bản sắc văn hóa độc đáo. Gìn giữ, nhân rộng và phát huy giá trị độc đáo của đá là mục tiêu luôn được các cấp lãnh đạo của huyện Tủa Chùa chú trọng.
Thúy Hạnh