Hoạt động của ngành

Ngành du lịch Hà Nội chung tay ‘gỡ khó’ cho doanh nghiệp

Cập nhật: 08/03/2021 09:40:23
Số lần đọc: 639
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, để thực hiện “nhiệm vụ kép” trong giai đoạn hiện nay thì ngành du lịch Thủ đô cần được xem là ngành mũi nhọn, từ đó kéo theo sự phục hồi của các ngành khác.

Các công ty dịch vụ lữ hành vượt khó với sản phẩm du lịch nội địa - Ảnh: Minh Anh

Ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn, năm 2020, số lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019 (đạt 8,65 triệu lượt khách).

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 1/2021 đến nay, do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19, hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm, các doanh nghiệp du lịch và nhà hàng, khách sạn gặp vô vàn khó khăn.

Cụ thể, đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước khoảng 95%; đã có 267/1191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người.

Đối với dịch vụ vận chuyển khách du lịch, đến hết tháng 2 ước doanh thu giảm 90-98% so với cùng kỳ năm 2020. Tại các khu điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn Thành phố, lượng khách du lịch tính từ 30/1 đến ngày 15/2 đạt khoảng 90.000 lượt khách, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ, số lao động tạm thời nghỉ việc là 3.000 lao động tại các khu điểm du lịch.

Trong tháng 2, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 16,1%, giảm 14 % so với tháng 1/2021 và giảm 35,2 % so với cùng kỳ năm 2020.

Tính đến cuối tháng 2, đã có khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố tạm dừng hoạt động với khoảng 12.600 lao động tạm thời không có việc làm; hệ thống các nhà hàng ăn uống đạt chuẩn, mua sắm đạt chuẩn lượng khách vẫn không nhiều, ước tính doanh thu vẫn giảm 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước tình hình đó, doanh nghiệp du lịch kiến nghị các ngành chức năng cần có thêm sự hỗ trợ, kết nối để vượt khó.

Bà Nhữ Thị Ngần, Giám đốc Công ty Hà Nội Tourism JSC, cho biết trước khi xảy ra dịch COVID-19, Hanoi Tourism đã tổ chức thành công cho hàng chục nghìn lượt khách đi du lịch quốc tế và trong nước mỗi năm, với doanh thu luôn tăng trưởng đều. Từ đầu năm 2020, COVID-19 khiến cho toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế ngưng trệ đóng băng, công ty không có doanh thu và đối mặt với thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng bởi các dịch vụ đã đặt cọc không thể thu hồi hay hoãn hủy kịp thời. Nhiều nhân sự trong ngành chán nản đã phải tìm nghề khác để mưu sinh. Một vài đợt kích cầu có tác dụng nhưng không đủ để duy trì bộ máy. Vì thế, công ty phải cắt giảm nhân sự để đảm bảo hiệu quả duy trì qua mùa dịch.

Để duy trì bộ máy “lõi”, công ty tìm cách đưa ra các sản phẩm điểm đến mang tính trải nghiệm, thân thiện môi trường, du lịch xanh, gần gũi thiên nhiên dành cho các nhóm nhỏ và gia đình đến những điểm du lịch riêng tư và an toàn. Bằng cách này, công ty đã kịp thời chuyển đổi mô hình và sản phẩm phục vụ phù hợp với hoàn cảnh, giữ được bộ khung nhân sự cốt lõi hoạt động. Những hoạt động này là động lực lớn cho cán bộ nhân viên bám trụ với nghề và với công ty.

Tuy nhiên, để duy trì được hoạt động bền vững, giảm thiểu khó khăn, bà Ngần cũng kiến nghị cần giảm giãn thuế và lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp; giảm giá vé hoặc miễn giá vé tham quan các điểm để kích cầu trở lại.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết, Vietfoot là công ty chuyên về mảng đưa khách Việt Nam đi nước ngoài và các dịch vụ liên quan đến visa các nước. Do tình hình COVID-19 nên công ty phải chuyển sang dịch vụ tour trong nước và dịch vụ cho thuê căn hộ. Bên cạnh đó, do dịch bệnh COVID-19 đã buộc công ty phải cơ cấu eo hẹp lại nhân sự. Hiện Vietfoot còn nhiều khó khăn do doanh thu sụt giảm. Vì thế, công ty kiến nghị được giảm và hoãn nộp thuế doanh nghiệp; đồng thời mong muốn được hỗ trợ quảng bá xúc tiến kinh doanh, giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận với các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương; liên kết với các công ty tổ chức, doanh nghiệp quốc tế, cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy bán các sản phẩm tour trong nước.

Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp du lịch muốn phát triển thì phải dựa vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Vì thế, ông Nghĩa bày tỏ mong muốn, từ nay đến quý III/2021, phải ít nhất 70% dân số được tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19. Khi kinh tế xã hội ổn định thì ngành du lịch sẽ phát triển theo.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty Mr Linh's Adventures, dịch bệnh COVID đã làm đóng băng mọi hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế đến Việt Nam. Hiện công ty đã bị giảm 90% doanh thu từ các mảng kinh doanh thế mạnh như lữ hành, lưu trú và vận tải. Nặng nề nhất khối du lịch Inbound “khách du lịchquốc tế giảm 99% trong năm 2020”. Tuy nhiên, công ty đã nhanh chóng xoay mình theo phong trào xúc tiến du lịch “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” của Tổng cục Du lịch và cho ra đời hệ thống đặt tour trực tuyến trên nền tảng website www.nguoivietdulichviet.vn. Kế hoạch sẽ cho ra đời tiện ích mobile app du lịch trên nền tảng di động trong năm 2021. Công ty sẽ có các sản phẩm du lịch ngắn ngày và ưu tiên các điểm đến an toàn đến các điểm như thác Bản Giốc, hồ Ba Bể, Hà Giang…

Cũng theo ông Linh, hiện nay bộ phận nhân sự du lịch đang ngày một giảm sút, các công ty du lịch đóng cửa, nghề du lịch đang trở nên bấp bênh, vì vậy đề nghị Nhà nước cần có các khoá đào tạo ngắn, bổ sung, cập nhật các kiến thức về du lịch, có chính sách cho người làm nghề… để giữ chân nhân sự, đảm bảo khi dịch bệnh được đẩy lùi thì không bị thiếu lao động. Đồng thời cần nắm bắt tình hình kiểm soát dịch bệnh thế giới để cho ra chính sách đón đầu thị trường du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Còn theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội, hiện nay doanh nghiệp đang rất cần chính sách hỗ trợ về tiếp cận vốn vay, giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ nay đến cuối năm.

Những tín hiệu tăng trưởng du lịch lạc quan vào dịp cuối năm

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trước thực trạng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ du lịch đối diện với những thách thức do dịch bệnh, Sở Du lịch đã tham mưu với Thành ủy, UBND Thành phố nghiên cứu, xây dựng chương trình cơ cấu lại ngành Du lịch toàn diện về tất cả các mặt: Hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp, môi trường, nguồn nhân lực du lịch… nhằm đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch sau dịch.

Với vai trò là cơ quan quản lý, định hướng phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố, thời gian tới đây, Sở Du lịch sẽ phát huy tốt hơn vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways…), các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, các khu, điểm du lịch, để qua đó xây dựng chuỗi liên kết mạnh, phối hợp thường xuyên, hiệu quả, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng, hoàn chỉnh, có sức hút cao đối với khách du lịch.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể có sức hấp dẫn cao như: Du lịch trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa (trải nghiệm đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò...), Du lịch trải nghiệm nông thôn, du lịch thể thao mạo hiểm tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn… nhằm tạo nét khác biệt về sản phẩm du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác”, bà Giang cho biết.

Ngoài ra, trong năm nay, ngành du lịch Hà Nội cũng sẽ chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực để tổ chức các sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, khai thác được những nét truyền thống văn hóa, nét đặc trưng của Thủ đô, qua đó hấp dẫn khách du lịch như Lễ hội kích cầu du lịch, Festival áo dài Hà Nội, Festival quà tặng du lịch, Festival ẩm thực quốc tế, tour tham quan mùa hoa Loa kèn, mùa sen Tây Hồ, mùa hoa súng chùa Hương…

Bên cạnh đó, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền quảng bá trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử; trong đó, tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; Chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h).

Ngành du lịch xác định thị trường nội địa sẽ là thị trường trọng điểm trong giai đoạn hiện nay, vì vậy sẽ tập trung vào thị trường nội địa, trong đó mục tiêu là thu hút khách du lịch nội địa ở khắp nơi trên đất nước và người nước ngoài sinh sống làm việc, học tập tại Việt Nam đến Hà Nội, người Hà Nội đi du lịch Hà Nội.

Cũng theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2021 trở đi, trên thế giới và Việt Nam, người dân bắt đầu được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, vì thế đây là cơ sở để hy vọng ngành Du lịch sẽ đạt được mức tăng trưởng như kịch bản đã đề ra.

Năm 2021, Sở đã xâydựng dự báo 3 kịch bản phát triển trong năm 2021, trong đó tiếp tục làm tốt công tác chống dịch, đồng thời triển khai hiệu quả các biện pháp kích cầu, từng bước phục hồi, có thể tăng trưởng nhanh vào cuối năm, và có thể ước đạt đón lượng khách nội địa đạt từ 50-70% so với năm 2019, tương ứng đạt từ 10,96 triệu - 15,34 triệu lượt khách, gấp đôi lượng khách so với năm 2020. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 triệu - 19,04 triệu lượt khách. Công suất sử dụng phòng kỳ vọng đạt 45% công suất.

Minh Anh

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ

Cùng chuyên mục