Tin tức - Sự kiện

Ngày 26/10 sẽ diễn ra Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Cập nhật: 26/10/2022 10:49:09
Số lần đọc: 1055
(TITC) - Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức vào ngày 26/10/2022. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước.

Hội nghị- Hội thảo Chuyển đổi số của ngành VHTTDL sẽ diễn ra ngày 26/10

Những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành VHTTDL, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan ngồi tại nhà trong mùa giãn cách vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là "đi" tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột. Hay khi thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng của ngành Văn hóa biểu diễn trực tuyến, hoặc được hướng dẫn các bài tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu của ngành thể thao ...

Trong lĩnh vực du lịch, toàn ngành đã tập trung đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số theo định hướng của Bộ VHTTDL. Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, trước yêu cầu bảo đảm an toàn để triển khai các chương trình phục hồi du lịch theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã xây dựng và cho ra mắt ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn dành cho khách du lịch; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 dành cho cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và được kết nối tới Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 để thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình; hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19; Tăng cường giới thiệu du lịch Việt Nam trên các nền tảng số như website, mạng xã hội, ứng dụng thông minh… Có thể nói, trong giai đoạn dịch bệnh, các giải pháp về công nghệ đã góp phần tích cực đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, tạo điều kiện cho sự phục hồi của du lịch trong nước.

Nhằm phục hồi và phát triển bền vững du lịch trong bối cảnh bình thường mới, Tổng cục Du lịch đã và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: (1) Xây dựng các nền tảng số phục vụ quản lý và phát triển ngành như hệ thống Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam, hệ thống kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp, ứng dụng Quản trị và Kinh doanh du lịch; (2) Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, trong đó tập trung phát triển ứng dụng Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh, hệ thống vé điện tử, Trang vàng du lịch Việt Nam, cùng hệ sinh thái các tiện ích công nghệ hỗ trợ hoạt động du lịch; (3) Đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước trên các nền tảng số; (4) Chuyển đổi số gắn kết với hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn du lịch ASEAN, đây là nhiệm vụ do Bộ VHTTDL giao cho Tổng cục Du lịch nhằm hỗ trợ các địa phương, khu điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, nâng cao chất lượng dịch vụ, định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển theo hướng bền vững; (5) Hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý và phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá, thống kê du lịch…

Ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” - ứng dụng  cốt lõi của ngành du lịch nhằm hỗ trợ du khách trải nghiệm trọn vẹn

Thẻ Việt - Thẻ Du lịch thông minh: Sản phẩm chiến lược trong hệ sinh thái du lịch thông minh

Trên cơ sở Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc Bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin…

Nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết, Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số: hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTTDL; các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch; xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT