Ngày xuân nhớ ẩm thực đồng bào Thái Mai Châu - Hoà Bình
Phụ nữ dân tộc Thái xã Chiềng Châu (Mai Châu) chuẩn bị nguyên liệu làm món cơm lam truyền thống.
Ngược từ phố thị đi tới đèo Đá Trắng, con người ta không khỏi "cảm nắng" trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp tựa thiên đường. Dừng chân bên một gánh hàng nhỏ với xôi nếp nương dẻo thơm mời gọi, thật dễ mềm lòng và dường như chẳng muốn rời! Khi làn khói nóng hổi tỏa ra cùng hương thơm dịu nhẹ, ta có thể cảm nhận được sự tinh túy của ẩm thực đồng bào Thái Tây Bắc trong món ăn này. Từng hạt gạo nở căng, bóng mẩy được tạo màu tự nhiên từ lá cây với màu sắc bắt mắt.
Mê mẩn và tò mò cách để tạo nên chõ xôi ngũ sắc của đồng bào Thái, chúng tôi tới xã Chiềng Châu. Chị Khà Thị Luân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên mọi bí quyết để chế biến món ăn đặc trưng của người Thái chị đều nắm rất rõ. Tới thăm nhà đúng lúc chị đang nhuộm màu gạo để đồ, chuẩn bị cho bữa cơm sum họp cuối năm của gia đình, chị Luân chia sẻ: Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm của người Thái, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết của người Thái ở Mai Châu. Để làm ra những chõ xôi sắc màu, phải chọn giống gạo nếp ngon trồng trên những thửa ruộng bậc thang của thung lũng, trải qua công đoạn chế biến tỉ mỉ. Sau khi ngâm nhiều giờ, gạo được nhuộm màu rồi đem đồ trên chõ gỗ tới 2 lần. Lần thứ nhất đủ chín, đảo cho thật đều, còn lần thứ hai để xôi mềm và dẻo hơn. Màu sắc của xôi cũng có ý nghĩa đặc biệt: Màu đỏ tượng trưng cho sự trù phú, màu vàng của no đủ, màu tím thủy chung, màu trắng tượng trưng như tình yêu đôi lứa trong sáng, màu xanh chính là màu của núi rừng Tây Bắc.
Thưởng thức xôi nếp nương, có thể ăn kèm với thịt gà đồi nướng, thịt lợn xiên nướng hay cá suối ngon ngọt. Thậm chí, chẳng cần cầu kỳ đến vậy, chỉ đơn giản với bát muối vừng cũng đủ khiến vị giác "ngây ngất".
Không chỉ có xôi nếp, những món ăn truyền thống của đồng bào Thái thể hiện sự kết hợp, hòa quyện cùng linh khí của núi rừng, của tình người giản dị. Với họ, ẩm thực là một nghệ thuật đã trở thành nét văn hóa cổ truyền, sâu sắc. Theo lời kể của chị Luân, để đón chào năm mới với nhiều điều may mắn, thường từ ngày 24 - 26 tháng Chạp, các gia đình người Thái mang quả cau, lá trầu đến mời thầy mo trong làng về nhà làm lễ cúng tổ tiên, xua đuổi tà ma và xin điều tốt lành. Bởi, trong quan niệm của người Thái, thầy mo luôn được coi trọng và kính nể nhất làng. Thầy mo có thể nói chuyện với những người âm, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của người đang sống đến với tổ tiên. Đối với họ, những ngày này là dịp để bày tỏ lòng đạo hiếu với những người đã khuất.
Bình thường, các món ăn của người Thái chia làm 5 phần lớn khác nhau như: Căm chẳm (đồ chấm, đặt đầu tiên); căm nặm (đồ uống, đặt thứ hai); căm cắp (đồ ghém, đặt thứ ba); căm kin (phần về thức ăn, đặt thứ tư); căm khẩu (phần về cơm, đặt cuối cùng). Xuất hiện trên mâm cơm trong ngày cuối cùng của năm còn có những món ăn truyền thống đặc sắc khác như: Cá nướng, thịt sấy, rau rừng, nhộng ong… Tất cả những món ăn đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, được tẩm ướp gia vị cẩn thận. Trong đó, gia vị đặc trưng được người Thái dùng để tẩm ướp là hạt "mắc khén” (hạt tiêu rừng). Một nét độc đáo về ẩm thực Thái là khi chế biến món ăn hoàn toàn không dùng dầu mỡ, người nấu rất chú trọng tới việc tẩm ướp, gia giảm gia vị vừa vặn và hài hòa để tạo nên những món ăn vừa ngon, vừa hấp dẫn, cuốn hút những người đam mê ẩm thực dân tộc truyền thống./.
Thu Hằng