Non nước Việt Nam

Cây chè và văn hóa trà của đồng bào Hoàng Su Phì

Cập nhật: 15/02/2022 10:23:22
Số lần đọc: 882
Chè Shan tuyết là một trong những cây thế mạnh của huyện Hoàng Su Phì. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên sản phẩm chè ở đây có chất lượng thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Năm 2021, toàn huyện có tổng diện tích trên 4.650 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là gần 3.600 ha, tổng sản lượng 14.027,9 tấn chè búp tươi, giá bán bình quân 20.000 đồng/kg búp tươi, tổng giá trị ước đạt 280,6 tỷ đồng, chiếm 17,34% so giá trị ngành Nông nghiệp của huyện.


Chế biến chè tại Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Ảnh: Trọng Đạt

Ở Hoàng Su Phì, cây chè tập trung ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Nậm Khòa, Nam Sơn, Hồ Thầu, Bản Luốc và Túng Sán. Trong đó có những cây chè cổ thụ trên 500 năm tuổi, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phong danh hiệu Cây di sản Quốc gia. Theo các cụ già làng người Dao ở xã Hồ Thầu, Nậm Ty thì cây chè Shan tuyết đã được người Dao đem theo trong quá trình di cư đến sinh sống ở khu vực này. Ban đầu cây chè được trồng cạnh nương với mục đích đánh dấu quyền sở hữu khu đất, đồng thời để phục vụ nhu cầu sử dụng của các gia đình. Về sau khi giao thương phát triển, các tiểu thương ở miền xuôi lên mua bán và chế biến thành chè xanh, sau đó thành lập các nhà máy chế biến và hỗ trợ phát triển. Từ đó, sản phẩm chè Shan tuyết của huyện được nhiều người biết đến.

Ở Hoàng Su Phì hiện có 3 giống chè chủ yếu, đó là chè Shan tuyết lá to, với đặc điểm phiến lá to, có xu hướng mọc ngang, trên búp non chưa nở thành lá có một lớp nhung trắng mịn bao phủ, giống chè này có vị chát đậm, hương thơm dịu. Giống chè thứ hai cũng là chè Shan tuyết phiến lá nhỏ, dài. Giống chè này ít chát, nhiều tuyết, hương thơm tự nhiên, vị đậm ngậy rất độc đáo. Địa bàn phân bố chủ yếu ở các xã Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán, trong đó chè Shan tuyết Túng Sán là có giá trị cao nhất, từ lâu đã được giới sành chè biết đến. Giống chè thứ ba là chè rừng búp đỏ, chỉ sinh trưởng ở khu vực núi Chiêu Lầu Thi và Tây Côn Lĩnh là những nơi có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển. Giống chè này có vị ngọt nhẹ, hương thơm mát, nước thường có màu đỏ.

Phát triển chè theo hướng an toàn đã giúp nhiều hộ dân ở Hoàng Su Phì có cuộc sống ấm no. Ảnh: Tư Liệu

Trước đây, đồng bào Hoàng Su Phì chủ yếu chế biến và sử dụng chè vàng. Chè sau khi thu hái về được cho vào chảo sao qua cho héo rồi vò cho bớt nhựa, sau đó đem phơi nắng hoặc cho vào lò sấy khô rồi bán cho cửa hàng mậu dịch. Một phần thì để lại và đựng vào ống tre treo gác bếp để dùng dần. Cách uống loại trà này của đồng bào cũng hết sức độc đáo. Mỗi khi có khách đến nhà sẽ được chủ nhà mời ngồi quây quần quanh bếp, khi đó chủ nhà đun siêu nước cho sôi, lấy một nắm chè trong ống nứa sao cho vừa đủ một ấm và để vào một mảnh gang hoặc nhôm rồi đặt trên than hồng để sao lại cho đến khi búp chè nổ lách tách mới cho vào ấm để pha. Ấm pha trà thường là loại ấm tích to chừng 1 lít, đối với đồng bào Dao và Cờ Lao ở xã Túng Sán thì lại dùng loại ấm bằng thân cây tre già vừa có tác dụng giữ nhiệt, vừa tăng hương vị cho trà. Giữa không gian ấm cúng, nước từ ấm siêu đang sôi ùng ục được đổ vào ấm tích kêu đánh sèo, cùng với đó là mùi thơm sực của chè Shan tuyết bốc lên hòa quyện với hơi sương, hơi gió vùng núi. Chỉ với một chiếc bát hoặc chén nước chè đặc sánh nóng được rót ra và uống quay vòng lần lượt từng người khiến cho chủ và khách hòa vào làm một.

Từ khoảng những năm 1970 trở lại đây, một số cán bộ và tư thương dưới xuôi lên công tác hoặc làm ăn đã nhận ra giá trị và chất lượng của chè Shan tuyết Hoàng Su Phì nên đã hướng dẫn người dân bản địa cách chế biến chè xanh hay còn gọi là chè mạn. Từ đó, chè Shan tuyết trở thành đồ uống phổ biến và không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đặc biệt là từ khoảng năm 1995, tỉnh Hà Giang và huyện Hoàng Su Phì triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trong việc chế biến và tiêu thụ chè, nên đến nay hầu hết sản lượng chè Shan tuyết của huyện được chế biến thành chè xanh, gắn với đó là việc quảng bá, giới thiệu, cải tiến bao bì mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm. Vì vậy đã góp phần nâng cao giá trị, đẩy mạnh tiêu thụ cho sản phẩm chè của huyện. Toàn huyện hiện có 12 hợp tác xã chế biến chè và hơn 150 cơ sở chế biến bằng máy sao mini quy mô hộ. Trong đó đi đầu là các Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, Chiến Hảo, Hạnh Quang... Năm 2021, toàn huyện chế biến được 2.806 tấn chè xanh thương phẩm, trị giá trên 340,2 tỷ đồng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và có mặt trên các hệ thống siêu thị Vinmart và Sài Gòn Coop, sản phẩm chè của huyện đã được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, như: Đài Loan và các nước khu vực châu Âu.

Hiện nay, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì đã đi khắp các vùng miền trong và ngoài nước với nhiều loại sản phẩm như chè Đen, Hồng trà, chè Xanh sao suốt, Bạch trà, trong đó sản phẩm chè của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia. Cùng nhiều cách thưởng thức khác nhau, song cách uống trà theo phong cách truyền thống hiện vẫn được bà con lưu giữ và cũng là một trong những nét đẹp văn hóa để mời gọi khách du lịch tìm hiểu những giá trị văn hóa của vùng biên cương Hoàng Su Phì.

Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)

 

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT