Nghệ An xây dựng Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035
Các đại biểu chủ trì hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu khai mạc, PGS. TS Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND Nghệ An cho biết, tỉnh mong muốn phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. Sở Du lịch Nghệ An đã xây dựng dự thảo chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên cơ sở đóng góp ý kiến từ các sở, ngành. Căn cứ vào chiến lược này, tỉnh có thể xây dựng các dự án, đề án để chiến lược trở thành xương sống trong phát triển du lịch, đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.
Tại hội thảo, nhóm xây dựng dự thảo chiến lược đã trình bày các nội dung về các tiền đề phát triển và tầm nhìn du lịch Nghệ An đến năm 2035; mục tiêu, quan điểm lập chiến lược; các chỉ tiêu; thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh Nghệ An; phân vùng không gian phát triển du lịch; đề xuất định hướng phát triển du lịch một số khu vực trọng điểm, trọng tâm, không gian du lịch chuyên đề; định hướng kết nối hệ thống tuyến, điểm và hạ tầng du lịch; định hướng phát triển hạ tầng giao thông vận tải liên kết các vùng du lịch trọng điểm; các nhóm giải pháp phát triển du lịch; lộ trình thực hiện chiến lược; tổ chức thực hiện chiến lược.
Góp ý cho nội dung dự thảo, các đại biểu và chuyên gia cho rằng Nghệ An có rất nhiều tiềm năng về tài nguyên về thiên nhiên và văn hóa, tuy nhiên năng lực khai thác, phát triển du lịch còn chưa tương xứng.
Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An có cách tiếp cận mới về cả nội dung và hình thức thực hiện. Tuy nhiên, chiến lược cần có tầm nhìn xa trên lộ trình phát triển du lịch bền vững. Đồng thời cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam trong mối liên hệ với khu vực và vùng, sát với thực tế phát triển du lịch của tỉnh. Nghệ An là vùng trọng điểm phát triển của Bắc Trung Bộ, tuy nhiên công tác marketing, xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần xác định rõ giải pháp về xúc tiến quảng bá, bổ sung các định hướng về sản phẩm và thị trường rõ nét hơn dựa trên những giá trị tài nguyên cốt lõi, nổi bật, kết hợp giá trị văn hóa - lịch sử với xu thế hiện đại.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC
Một trong những nội dung then chốt là xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Nghệ An cần triển khai phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, mang yếu tố riêng có nhằm tạo lợi thế về cạnh tranh, thu hút và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Các sản phẩm, dịch vụ cũng cần gắn với nhu cầu thị trường, đặc biệt là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng du lịch. Cần tập trung vào các sản phẩm du lịch mới, đã và đang phát triển như: du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, yếu tố về mức độ hài lòng của cư dân bản địa, của khách du lịch và các doanh nghiệp cũng đóng góp một phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, cần có các giải pháp thực tiễn nhằm thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc cho ngành du lịch địa phương; thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thể hình thành một làn sóng du lịch, hệ sinh thái du lịch mới, hấp dẫn.
PGS. TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, vấn đề mấu chốt để triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược chính là việc nắm rõ hiện trạng phát triển, làm rõ thực lực của tỉnh, tìm ra những điểm nghẽn để đưa ra những giải pháp hữu hiệu, thiết thực. Bên cạnh nguồn lực văn hóa - di sản, các điều kiện hiện đại như cơ sở vật chất, hạ tầng như khách sạn, nhà hàng… nhằm phục vụ những nhu cầu cơ bản của khách du lịch cũng là yêu cầu phần cấp thiết. Ngoài ra, cần có những chính sách thu hút nguồn lực lao động, các nguồn đầu tư để phát triển du lịch Nghệ An tương xứng với tiềm năng. Cần chỉ ra những điểm đột phá, lựa chọn chiến lược, giải pháp trọng tâm, phù hợp với tình hình du lịch hiện tại.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: TITC
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá cao dự thảo chiến lược có cách tiếp cận mới về cả nội dung và hình thức. Bản dự thảo chiến lược đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị từ các chuyên gia đầu ngành từ nhiều lĩnh vực liên quan đến du lịch. Nội dung bám sát được thực trạng, đưa ra tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu và giải pháp cho du lịch Nghệ An; cụ thể hóa được nhiều nội dung, chương trình hành động cho một giai đoạn phát triển. Dự thảo được lập trên cơ sở thống nhất, phù hợp với chủ trương, quy định hiện hành, phù hợp với quy hoạch hệ thống du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để thực hiện chiến lược một cách hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, Phó Tổng cục trưởng đề nghị tỉnh Nghệ An cần đánh giá tác động của du lịch đối với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội để thấy rằng mục tiêu đề ra đã toàn diện hay chưa. Mục tiêu cần được làm rõ bằng các chỉ số cụ thể, các giải pháp cần đi thẳng vào những vấn đề cần giải quyết và có định hướng dài hạn. Cần tập trung vào cách tiếp cận thị trường, cân đối cung và cầu, xây dựng sản phẩm đặc thù và chiến lược truyền thông quảng bá cho sản phẩm. Ngoài ra, cần chú trọng đến yếu tố bền vững, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số phù hợp với xu hướng chung hiện nay của Việt Nam và thế giới. Phó Tổng cục trưởng đề nghị tỉnh tổng hợp các ý kiến góp ý, chọn lọc và tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung chiến lược, đây chính là cơ sở tạo ra những chuyển biến, thay đổi tích cực cho du lịch toàn tỉnh trong thời gian tới.
Trung tâm Thông tin du lịch