Non nước Việt Nam

Người nối giữ mạch nguồn văn hóa Cơ Tu

Cập nhật: 13/05/2021 07:41:30
Số lần đọc: 724
“Tôi rất yêu và tự hào khi nghĩ về văn hóa dân tộc mình. Cái gì tốt đẹp thì cần phải giữ lại và tôi đang góp một phần bé nhỏ vào công cuộc giữ gìn các giá trị” - Với suy nghĩ đó, nhiều năm qua, nghệ nhân A Lăng Ðợi, 58 tuổi, ở thị trấn P’rao (huyện Ðông Giang, Quảng Nam) đã dồn tâm sức gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu.  


Nghệ nhân A Lăng Ðợi đang truyền dạy điệu múa Tâng tung da dá cho con em đồng bào Cơ Tu tại Ðà Nẵng.

“Bao đời nay, đồng bào Cơ Tu đã không ngừng sáng tạo, bảo tồn và phát triển những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong đời sống sinh hoạt của dân tộc mình, chính vì thế, nếu không được trao truyền, vẻ đẹp đó sẽ bị mai một theo thời gian”, nghệ nhân A Lăng Ðợi trải lòng khi gặp chúng tôi tại Làng văn hóa Toom Sara (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng) trong lễ hội Mùa yêu của đồng bào Cơ Tu vừa được tổ chức.

Tại Ðà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu có khoảng 1.200 người sinh sống tại ba thôn gồm Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc và thôn Phú Túc. Trong nhiều năm qua, UBND huyện Hòa Vang đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng đời sống văn hóa, dựng lại các nhà gươl, tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao và hỗ trợ phục dựng lễ hội truyền thống, mở ra sân chơi giao lưu, trình diễn và thực hành văn hóa... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Bên cạnh đó, huyện luôn tạo điều kiện để các nghệ nhân tâm huyết như A Lăng Ðợi trực tiếp trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Bà con đồng bào Cơ Tu tại Ðà Nẵng, quý mến và xem nghệ nhân A Lăng Ðợi là người giữ lửa nhiệt huyết và lan tỏa giá trị văn hóa.

Hơn một năm qua, khi nhận lời làm cố vấn, xây dựng và tôn tạo các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán… của đồng bào Cơ Tu tại Làng văn hóa Toom Sara trong Khu du lịch Suối Hoa (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng), nghệ nhân A Lăng Ðợi đã làm việc hết công suất. Sự chân thành và tỉ mẩn trong cách ông làm việc, phục dựng từng góc văn hóa tại Làng văn hóa Toom Sara không chỉ mang lại không gian cho khách du lịch, mà còn là không gian để gặp gỡ, giao lưu với đồng bào. Trong tâm niệm, ông luôn mong các giá trị văn hóa dân tộc Cơ Tu được lan tỏa, thêm nhiều người biết đến và yêu mến những điệu múa Tâng tung da dá, được trải nghiệm và chia sẻ các món ẩm thực dân dã của đồng bào. Trong nhịp sống hối hả với khá nhiều phương tiện giải trí như hiện nay, làm sao để chọn cho mình một khoảng lặng, chọn cho mình một sự bình an, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ!? Ông đã đặt ra những câu hỏi như vậy. Và rồi, câu trả lời đã đến sau những năm trăn trở. Không chỉ tại quê hương ông - làng Gừng, thị trấn P’rao, đến nay, từng góc, từng không gian đẫm văn hóa Cơ Tu được ông và nhiều nghệ nhân xây dựng, phục dựng, lưu giữ nguyên bản tại Làng văn hóa Toom Sara. Tham quan, trải nghiệm không gian trong mái nhà gươl - linh hồn của đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào Cơ Tu, được ngắm nhìn mô hình nhà moong lợp bằng lá nón và nhiều tác phẩm tượng điêu khắc gỗ truyền thống khá ấn tượng tại Làng văn hóa Toom Sara, khách tham quan được hiểu thêm về các giá trị văn hóa độc đáo này. Người thưởng lãm như được về với núi rừng, về với ngọn nguồn văn hóa của đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn.

"Từ hồi 20 tuổi, tôi đã theo cha, theo ông nội và nhiều nghệ nhân trong làng làm điêu khắc gỗ, cùng đánh chiêng, hát, múa điệu Tâng tung da dá. Trong dòng máu của mình, niềm tự hào đó luôn sẵn có. Cái gì tốt đẹp thì cần phải giữ lại và tôi đang góp một phần bé nhỏ vào công cuộc giữ gìn các giá trị đó. Ðiều tôi mừng nhất là nhiều năm qua, tôi đã dạy được nghề điêu khắc gỗ cho các bạn trẻ, dạy điệu múa Tâng tung da dá, điệu hát của đồng bào Cơ Tu ở Ðà Nẵng. Với một tâm huyết là làm sao để nhiều con em đồng bào Cơ Tu biết gìn giữ và phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp đó", nghệ nhân A Lăng Ðợi chia sẻ.

Phục dựng lễ hội dựng cây nêu, gọi thần rừng, thần đất khi cùng đồng bào sum vầy, kết nối trong điệu múa độc đáo Tâng tung da dá, nghệ nhân A Lăng Ðợi hóa thân thành linh hồn của rừng. Vững chãi và uy lực. Mỗi bước chân, mỗi tiếng tù và, là lời gọi linh thiêng nguồn cội. Ông hòa cùng nhịp bước chân của nhiều chàng trai, cô gái Cơ Tu. Cùng thắp sáng lễ hội mùa, cùng lan tỏa giá trị văn hóa cổ truyền trong điệu múa dân tộc mà không ít lần trong câu chuyện đời mình, ông kể với tình cảm trân quý và yêu mến. Ông tự hào khi nói về điệu múa Tâng tung da dá rằng, người Cơ Tu sinh ra và lớn lên với núi rừng, biết đi, biết chạy là biết múa, biết hát. Lớn lên với núi rừng, dù khó khăn và vất vả đến bao nhiêu, thì đến mùa lễ hội, khi tiếng trống, tiếng chiêng nổi, là lúc, những đôi chân, những trái tim bắt nhịp…

Về xuôi mưu sinh, cuối tuần ông lại đón xe trở lại với núi rừng Trường Sơn, với mảnh đất làng Gừng ở thị trấn P’rao đẹp như huyền thoại. Ông bảo, về với núi để tiếp thêm năng lượng, làm đầy tâm hồn, để rồi lại về xuôi, phục dựng văn hóa truyền thống cho đồng bào. Như con sông, con suối, những nỗ lực không mệt mỏi của nghệ nhân A Lăng Ðợi thật sự gắn kết những mắt xích quan trọng trong hành trình bảo tồn, làm giàu đẹp cho vốn văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT