Non nước Việt Nam

Giấc mơ du lịch hóa di sản khảo cổ Hoa Lư

Cập nhật: 12/05/2021 14:39:01
Số lần đọc: 643
Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình vừa qua phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật, nghiên cứu khảo cổ tại bốn địa điểm thuộc huyện Nho Quan, Gia Viễn và Hoa Lư. Những phát hiện mới lại xoáy sâu vào những thách thức “không mới” với ngành khảo cổ.  

Nhà trưng bày với hố khai quật được trang bị máy chiếu.

Nhiều phát hiện quan trọng

Đây là sự tiếp tục của công trình từ năm 2020 về vùng đất ngã ba sông Bôi đến cố đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên (CN) đến thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt. Cuộc khai quật lần này đã phát hiện dấu tích kiến trúc nền móng cung điện từ khu vực ngòi Chẹm (phía cổng bắc di tích) qua khu đền Đinh, đền Lê đến cánh đồng Nội Trong, với tổng chiều dài 700 m. 

Bước đầu các chuyên gia nhận định, quy hoạch kinh thành Hoa Lư chia làm Thành nội và Thành ngoại. Trong đó, Thành nội là khu doanh trại nên không có công trình kiến trúc kiên cố bằng gạch, ngói. Thành Ngoại gồm hai khu vực quan trọng hơn là Cấm thành và Hoàng thành. Cấm thành là nơi ở của vua, hoàng tộc nên có cung điện xây dựng công phu. Trong khi đó, Hoàng thành nằm ở phía bắc Cấm thành, có thể là nơi ở của giới tăng lữ, quý tộc và tướng lĩnh cấp cao. Các di tích còn lại là chùa Nhất Trụ, có lẽ là nơi ở của các thiền sư nổi tiếng như thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Đa Bảo… và các phủ đệ, nơi thờ tự của người dân quanh năm. 

Ngoài các công trình kiến trúc, cuộc khai quật còn thu được nhiều di vật như các viên ngói cổ có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, các viên gạch Đại La với khuôn chữ “Giang Tây quân”, đồng tiền “Thái bình hưng bảo”, hố khai quật chứa nhiều lớp vật liệu chạc các thời kỳ như thế kỷ 10, thời Lý - Trần, thậm chí thế kỷ 16…

Cơ hội làm “giàu” cho du lịch cố đô

PGS, TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Ở một khu vực cực kỳ khó khai quật, đợt khảo cổ lần này đã thành công khi đạt được nhiều phát hiện hết sức giá trị, như các dấu tích mộ đơn táng và song táng, những móng cột, các mẫu gốm sứ nhiều loại hoa văn…”. Ông Tín nhấn mạnh: Tôi cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng, đường sá là cần thiết, nhưng vẫn cần quy hoạch phù hợp cảnh quan tự nhiên vốn có và di tích lịch sử của Hoa Lư. Ngoài ra, hoạt động khai quật còn phân tán “mỗi nơi một chút” và thiếu kết nối, nên chưa thể tìm thấy kiến trúc nào hoàn chỉnh. Bởi vậy, điều cấp bách hiện nay là cần có nghiên cứu để quy hoạch về chuyên môn, xây dựng từng bước nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn. 

Việc khai quật và bảo tồn đã khó, nhưng để thật sự phát huy di sản trở thành điểm đến văn hóa, kích thích du lịch còn là “bài toán” khó hơn. Phương án xây dựng nhà trưng bày di sản thời Đinh - Tiền Lê ngay tại hố khai quật được xem là một sáng tạo, giải pháp hợp lý. Hố khai quật ở vị trí trung tâm nhà trưng bày được lắp đặt hệ thống ánh sáng và máy chiếu, phản chiếu video hoạt động khai quật, chi tiết hoa văn nền gạch hoặc bản đồ trung tâm cố đô, rất trực quan và sinh động với người xem. Bên cạnh đó, các hiện vật như chì lưới, đồ đất nung hay đồng tiền thời Đinh - Tiền Lê được trưng bày chung quanh hố đã minh họa thêm, giúp người xem hình dung về một thời kỳ lịch sử quan trọng. Nhà trưng bày cũng có trang bị hệ thống thuyết minh, giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng… Nằm ngay bên hông đền thờ Vua Lê, nhà trưng bày rất phù hợp trở thành một điểm thu hút khách du lịch nếu được đầu tư, mở rộng theo các hố khai quật mới và trang bị thêm thiết bị, biển báo chỉ đường…

“Quần thể danh thắng Tràng An là một phần của di sản thế giới được UNESCO công nhận. Bởi vậy, tiếp thu mô hình quốc tế, chúng ta cần một hội thảo khoa học đánh giá thành quả và cách thức tiếp cận khảo cổ học tại Hoa Lư. Sau đó, cần lên kế hoạch khảo sát, nghiên cứu để quy hoạch, xây dựng dự án tìm hiểu không gian văn hóa thời Đinh - Tiền Lê, trang bị công nghệ mới giống như tại Hoàng thành Thăng Long”, PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề xuất. Theo ông Bài, như vậy mới tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách chứ không chỉ dựa vào các hoạt động lễ hội như hiện nay. Ngoài ra, cần làm thành sách, thành phim và áp dụng chuyển đổi số đối với những tư liệu khảo cổ, từng bước nối lại thành bức tranh lịch sử toàn cảnh. Sau đó, báo cáo việc thực hiện cam kết bảo tồn di sản tại các hội nghị quốc tế.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT