Tin tức - Sự kiện

Nhiều quốc gia tham dự Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm tại Hội An

Cập nhật: 26/07/2019 09:13:20
Số lần đọc: 1194
Từ ngày 7 - 9/8, tại Làng lụa Hội An và trung tâm phố cổ Hội An, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế  giới lần thứ V - 2019 sẽ diễn ra với sự tham dự của 8 quốc gia cùng đại diện 5 thành phố và hàng chục đơn vị sản xuất, làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam.

Cụ thể, ngoài các tập đoàn sản xuất tơ lụa hàng đầu thế giới đến từ các nước như Italia, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia…, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm năm nay sẽ có sự tham gia của nhiều công ty và làng nghề sản xuất tơ lụa hàng đầu trong nước như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk; làng nghề Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu… cùng 80 nghệ nhân đến từ nhiều vùng miền trong cả nước như thổ cẩm Hà Giang, dệt Khơme (An Giang), thổ cẩm Cơ Tu (Quảng Nam, Đà Nẵng). Đặc biệt, các đối tác làng nghề truyền thống cũng sẽ mang máy móc và sản phẩm về Làng lụa Hội An để trình diễn kỹ thuật dệt và nhuộm truyền thống cho công chúng thưởng lãm. 

Bên lề sự kiện cũng diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất dâu tằm, tơ lụa và văn hóa tơ lụa trong đời sống hiện đại”; Gala Dinner gặp mặt đối tác sản xuất, nghệ nhân làng nghề, nhà thiết kế trong và ngoài nước; lễ dâng hương Bà chúa Tàm tang; khai mạc khu trưng bày sản phẩm lụa và thổ cẩm Việt Nam; giao lưu trao đổi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, từ các cơ sở lụa tơ tằm - thổ cẩm Việt Nam tại Làng lụa Hội An; trình diễn quy trình ươm tơ dệt lụa truyền thống của làng dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam, Đà Nẵng), Chăm (Ninh Thuận), Khơme (An Giang), H’mông (Hà Giang), Nha Xá (Hà Nam).

Tuy vậy, điểm nhấn của festival lần này chính là sự kết nối, tìm con đường phát triển chung giữa các thành phố sản xuất tơ lụa trên thế giới, nhất là giữa châu Âu và châu Á như Lion (Pháp), Como (Italia), Kyoto (Nhật Bản), Lâm Đồng, Quảng Nam…

Mục đích festival nhằm tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam; đồng thời kết nối giao lưu, mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt cũng như các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với thị trường quốc tế. Đặc biệt, hướng đến xây dựng Làng lụa Hội An trở thành trung tâm thương mại phân phối tơ lụa của cả nước, hướng đến mục tiêu phục hồi lại các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam nói chung và nghề ươm tơ dệt lụa nói riêng trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT