Hành trang lữ khách

Những nét văn hóa đặc sắc và giá trị truyền thống của chợ phiên vùng cao

Cập nhật: 05/04/2021 10:15:52
Số lần đọc: 768
Chợ phiên là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của đồng bào vùng cao. Huyện Đồng Văn có nhiều phiên chợ nổi tiếng để lại dấu ấn cho du khách thập phương. Trong cuộc sống hiện đại, chợ phiên của vùng Cao nguyên đá vẫn giữ nguyên bản sắc, những tinh túy thuần khiết vốn có để tạo nên nét riêng, mang âm hưởng núi rừng và những giá trị cổ xưa của người dân miền đá.

Các sạp bán trang phục truyền thống của địa phương, tại chợ Sà Phìn, xã Sà Phìn (Đồng Văn).

Từ khi trời còn tờ mờ sáng, đồng bào vùng cao phải leo, vượt những con dốc thẳng đứng, những sườn đồi, mỏm đá tai mèo, đi bộ mất 3 - 4 giờ mới xuống đến chợ, mang theo những món quà của thiên nhiên, truyền thống của dân tộc; với nhiều xúc cảm khi được gặp gỡ, trao đổi với bạn hàng, khách du lịch. Chợ phiên trên Cao nguyên đá Đồng Văn diễn ra vào các ngày trong tuần, mỗi địa phương lại có lịch họp chợ được tính theo hình tượng các con vật như: Sà Phìn vào ngày Hợi, Phố Cáo vào ngày Thìn, Phố Bảng ngày Ngọ… Chợ phiên vùng cao không có sự phô chương cầu kỳ, mỗi sản phẩm, sản vật của địa phương mà đồng bào mang đến bày bán là kết tinh trong lao động, sự cần cù, chịu khó của người vùng cao. Người dân miền đá vẫn luôn có quan niệm “Vật chất có thể không nhiều, nhưng được xuống chợ là niềm hạnh phúc”. Đi chợ phiên không chỉ gặp nhau để trao đổi, mua bán hàng hóa, mà còn là dịp gặp lại bạn hiền, người thương sau những ngày xa cách. Họ cùng ngồi hàn huyên bên bát rượu ngô thơm nồng, cùng với nồi thắng cố ngựa, những đĩa thịt lợn treo.

Những ngày xuống chợ, các cô gái Mông, Lô Lô, Cờ Lao… với chiếc ô, chiếc khăn quấn ngang đầu, tạo thêm điểm nhấn cho bộ áo, váy lung linh sắc màu, những nét hoa văn được thêu bằng tay cầu kỳ, có khi phải gần 2 năm mới có được. Những chàng trai với cây khèn, sáo trên tay hát điệu nhạc truyền thống, cùng với màn múa phụ họa của các cô gái, âm thanh giao duyên của đôi lứa vang vọng núi rừng biên cương. Ngay cả những đứa trẻ, sự phấn khích, rạng rỡ thể hiện trên khuôn mặt, được mẹ dắt tay, vừa đi vừa hát líu lo những câu hát truyền thống của dân tộc. Nhiều sạp hàng bày bán các trang phục truyền thống của địa phương, được làm thủ công, thể hiện rõ sự tinh sảo qua mỗi sản phẩm.

Chị Đào Thị Hằng (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đến thăm các chợ phiên Đồng Văn thấy có nhiều điểm cuốn hút mà không nơi nào có được; những phong tục cổ xưa, sản phẩm từ vải đến đồ ăn được bày bán đa dạng. Sự thân thiện, mến khách của người dân thể hiện qua lời mời thử rượu ngô men lá được nấu theo phương pháp truyền thống, những bát mèn mén được làm thủ công... rất hấp dẫn du khách.

Được trải nghiệm trên những phiên chợ vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là niềm hạnh phúc, khó có thể diễn tả thành lời của du khách. Tình cảm của người dân bản địa được thể hiện qua cách giao tiếp, cử chỉ đầy thân thiện để lại trong tâm trí du khách những ấn tượng khó phai mờ./.

Bài, ảnh: Đức Ninh

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục