Ẩm thực đường phố Sài Gòn
Cơm tấm sườn bì
Cơm tấm sườn bì là món định danh của ẩm thực nơi đây. Cơm tấm được đơm đầy bát con rồi úp ngược trên một chiếc đĩa to, xung quanh là sườn nướng, bì chả, trứng ốp la, xà lách, cà chua, dưa leo và một chén nước mắm với chút ớt cùng đồ muối chua (cà rốt, củ cải trắng ngâm giấm). Cơm tấm sườn bì là món ăn cân bằng dinh dưỡng, khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Bánh mì
Không giống bánh mì Hà Nội hay các vùng khác, bánh mì Sài Gòn có cách chế biến riêng với đặc trưng là vỏ bánh giòn, ít ruột, nhân bánh gồm pate, bơ, chả, giăm bông, chà bông (ruốc) kèm vài lát dưa leo, hành ngò, đồ chua... Ngoài bánh mì truyền thống, bánh mì Sài Gòn còn được biến tấu cùng thịt heo nướng, xíu mại, bì, chả cá, khô bò, phá lấu...
Bột chiên
Mặc dù có nguồn gốc từ người Hoa nhưng bột chiên đã trở thành món ăn đặc trưng của vùng. Để làm món này, người ta pha bột gạo, bột năng với nước ấm, dầu ăn và bột nêm, sau đó đặt nồi bột lên bếp lửa nhỏ, khuấy cho bột trong và đặc lại. Tiếp đó, người ta đổ bột vào khuôn, hấp 30 phút rồi để nguội, cắt bột thành miếng vuông và chiên trên lửa to để bột giòn bên ngoài mà vẫn mềm bên trong. Khi bột chuyển màu vàng, người ta đập vào 1 quả trứng gà, rắc hành lá rồi chiên mặt còn lại. Món này được thưởng thức kèm đồ chua, tương ớt và nước tương nhạt.
Bánh tráng
Ở thành phố Hồ Chí Minh có hai loại bánh tráng trộn và bánh tráng nướng. Bánh tráng trộn được làm từ bánh tráng cắt nhỏ, trộn cùng xoài xanh, khô bò, dầu điều, sa tế, rau răm, trứng cút, muối tôm Tây Ninh... Độ dẻo, dai của bánh tráng hòa cùng mùi thơm, vị ngọt, béo, bùi của các nguyên liệu tạo nên hương vị đặc biệt của món này.
Bánh tráng nướng được làm từ bánh tráng mỏng phết bơ, trứng, pate, xúc xích, hành lá, xốt tương ớt... nướng giòn, sau đó gấp đôi lại và thưởng thức, cảm nhận vị giòn rụm của vỏ bánh và vị bùi, béo của các nguyên liệu.